Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

5. Truyền thuyết Ông Hổ



Vùng Thất Sơn có tất cả 37 núi lớn nhỏ. Người ta gọi tên vùng này là Bảy Núi căn cứ theo 7 ngọn núi điểm ‘linh huyệt’ bao gồm Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) cao nhất, ở trung tâm và 6 núi vây quanh là Ngọa Long Sơn (núi Dài) tượng trưng cho rồng, Bạch Hổ Sơn (núi Phú Cường) tượng trưng cho hổ (?), Nam Quy Sơn – quy, Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô) – phượng hoàng, Liên Hoa Sơn (núi Tượng) – voi và núi Trà Sư (núi Két và núi Trà Sư) – kỳ lân.

Thiên Cấm Sơn từ xưa ‘hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tóc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước... Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy’. Từ mấy thế kỷ trước, Thiên Cấm Sơn đã được khai phá, người Việt đến sinh sống, hòa nhập với người Miên (Khmer) ‘khai thác nguồn lợi thiên nhiên, lập vườn cây ăn trái, trồng hoa màu, tìm dược thảo, làm ruộng ở chân núi, bắt cá vào mùa hạn ở các ao đìa...

Đến đời cha và đời Thụy thì Thiên Cấm Sơn đã dần vắng tiếng núi rừng. Phá mà thiếu xây, dùng mà thiếu giữ nên sơn lâm dần hao mòn. Rừng núi đau, người dân Xóm Núi đau nhưng chỉ biết thở dài ‘thời thế, thế thời, thời phải thế’. Đám trẻ con Xóm Núi buồn thênh, nghèo rớt, loanh quanh bên ngoài đôi ba năm rồi về ôm ấp núi. Nhưng núi già mà không chết, núi có Giếng Thạch Sanh, còn Hang ông Bác Vật; suối Thanh Long còn đó, dấu Chân Tiên nằm kia; ông Bạch Hổ vẫn giữ rừng thì làm sao núi chết. Thụy và từng người Xóm Núi bao đời nay đều tin rằng ‘có ông Bạch Hổ, giữ núi hộ rừng, yêu ma quỷ quái, chẳng có ngại ngần’.

Tương truyền rằng, phía đông nam Thiên Cấm Sơn có núi Bà Đội Ôm hoang vu hiểm trở, nhiều yêu tinh thú dữ, trên núi có con hạm tinh chuyên ăn thịt người. Một ngày kia, con hạm tinh tìm đường lên Núi Cấm ăn thịt sơn dân, vừa tới cửa núi thì bị bầy hổ núi Cấm vây quanh, 2 ông Hắc Hổ chặn đánh con hạm tinh trên đỉnh Vồ Thiên Tuế. Con hạm tinh tu luyện thành yêu, biết tà thuật, hóa phép làm cuồng phong đánh với 2 ông hắc hổ. Sơn lâm chấn động, điểu thú tẩu tán, các tu sĩ tu luyện trên núi vây xem không dám đến gần. Giao đấu nhiều giờ bất phân thắng bại, bầy hổ núi Cấm mấy trăm con vòng quanh trợ trận, gào thét rung trời. Đến rạng sáng, bỗng có tiếng gầm vang dội, ông Bạch Hổ từ hướng Đông Bắc vồ Thiên Tuế bất ngờ xuất hiện lao vào tấn công con hạm tinh, hai ông Hắc Hổ lùi ra hai bên yển trợ. Chưa đầy một khắc sau, hạm tinh bị Ông Bạch Hổ cắn đứt cổ, giết chết con hạm tinh và đẩy xác xuống khe sâu bên vồ Thiên Tuế. Thiên Cấm Sơn yên ổn từ đó.
(Núi Bà Đội Ôm - trên đỉnh có tảng đá to như đầu người phụ nữ đội cà ôm; con hạm tinh: giống như hổ, chuyên ăn thịt người, xác chết, thịt thối)

Ông nội và những người lớn tuổi trong Xóm Núi bảo Vồ Thiên Tuế có 3 hang hổ của Ông Bạch Hổ và 2 ông Hắc Hổ, ban ngày các ông đi săn, chỉ buổi tối mới trở về nghỉ ngơi. Hồi học cấp 2, Thụy và mấy thằng lớn gan lén theo triền dốc cheo leo hơn 10m xuống hang Ông Bạch Hổ ‘thám hiểm’. Nhìn cửa hang sâu hút, tối om, không thằng nào dám vào, đứng bên ngoài ngó nghiêng, ngửi ngửi mùi ‘khen khét’ đặc thù rồi thần hồn nát thần tính ù té chạy.

Cho nên nói, khẳng định lại lần nữa, không phải sợ, mà là kính. Mà thôi, bảo sợ cũng được, dù sao chạy một đường dài như vậy... ahhhhh.

Đến Vồ Bà, cánh tay hơi rã rời, Thụy buông lồng sắt, ngồi trên mỏm đá ven đường đốt thuốc. Nãy giờ ‘vận động nhiều’ làm cánh tay bị thương hơi ê ẩm. Gần 8h, văng vẳng đàng xa còn nghe tiếng suối Sư Bình róc rách, mấy bóng dơi chớp qua dưới trăng bàng bạc. Càng lên cao càng lạnh, rừng núi càng im ắng. Ba con chó nhỏ cũng mệt mỏi nằm ỉu xìu trong lồng.

Phục hồi xong, Thụy dụi tàn thuốc xách lồng đi tiếp, chưa được ba bước thì Thụy nghe tiếng quạ inh ỏi. Quay lưng lại nhìn mấy tàng cây gần suối Sư Bình từng bầy chim tao tác bay lên. “Hic, đên nay động rừng hả trời?!” Thụy thầm nghĩ, chân không ngừng bước tiếp.


“Gràooo... Gràooo” 

Lại có tiếng gầm vang lên, lần này là mua một tặng một, 2 tiếng gầm gừ liên tiếp vang lên từ phía hồ Thanh Long. Ba con chó con lập lại trạng thái vừa qua cách dây 15’, rúm ró trong lồng, lần này thì tiếng rên nghe “chít, chít” như tiếng chuột kêu, chắc cũng giống như Thụy, đã lả người.

Trong đầu thoáng cân nhắc, Thụy dứt khoát xách lồng chó lên, một đường chạy thẳng về nhà, đặt lồng chó và hành lý trước cửa nhà, rồi quay đầu trở lại suối Thanh Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét