Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

12. Câu chuyện trên đường đi (2)



Thụy im lặng lắng nghe, hai ông cháu vừa nói vừa chậm chậm bước đi, ông Cả thỉnh thoảng dùng rựa quéo chặt mấy nhánh cây đan mắc hai bên đường. 

Ngừng một lúc, ông lại bồi hồi, “Từ hồi xa xưa tới giờ, ông bà mình đều nói ông hổ trên núi Cấm là hổ tu, không ăn thịt người, nhưng mà cũng không ai dám đi chọc mấy ổng. Dù thân cũng phải kính. Mấy ổng sống phần mấy ổng, mình sống phần mình, đều dựa vào núi rừng, biết tương kính thì mới bền. Cái gì cũng vậy, hễ quá tay thì khoai nát. Như ông cố Tư của con đi săn bên núi Bà Đội Ôm bị cọp vồ. Cha con ông cố Năm, ông cả Bác với mấy người trong xóm vác sóc, vác lưới gai lên núi giết cọp trừ họa. Lần đó giết chết 3 con cọp, hai con cọp đực, một con cọp cái đang có bầu. Tưởng đâu yên ổn, ai dè mấy năm sau, một bữa mưa dông lớn, thừa cơ ông Năm xuống núi chữa bệnh, một con cọp thọt núi Bà Đội Ôm lẻn lên Núi Cấm, phục kích trong rẫy nhà ông Năm, cắn chết bà Năm và đứa con gái. Đêm đó nó lại vào nhà ông Năm cắn đứt cổ ông Cả Bác. Ông Năm về núi thấy vợ và hai đứa con chết hết thì giống như điên rồi, bất chấp ngăn cản, một mình ổng cầm săn mây xông lên núi truy tìm con cọp. Đợt đó, ổng sống trong rừng núi Bà Đội Ôm hơn tháng trời, một mình giết chết 3 con cọp, đánh gãy luôn cây săn mây bằng mây máu rồng bảo bối gia truyền, nhưng không giết được hung thủ sát hại vợ con. Xuống núi, ổng qua tận bên Tà Lơn thỉnh sư huynh giúp đỡ. Hai huynh đệ lại lặn lội lên núi Bà Đội Ôm mấy tháng trời, cuối cùng giết được kẻ thù nhưng mà ông Năm bị cắn mất một chân. Từ đó về sau, ổng thề bỏ sát sinh, tu luôn trên núi Cấm, chưa bao giờ xuống núi”. Nói xong ông lại thở dài thườn thượt, lầm lũi bước đi.

Thấy ông Cả dừng câu chuyện, Thụy ngắc ngứ tiếp lời: “Con biết, mấy chuyện đó hồi trước đây nội kể, ý con là... Ông Bạch Hổ, trước giờ có ai gặp ổng không nội?”

“Sao con hỏi chuyện này...?” Ông Cả sửng sốt muốn lập lại câu hỏi ‘con lên núi gặp được cái gì?’. Nhưng ông nhìn vẻ hoang mang của thằng cháu lại từ tốn, đằng hắn che dấu nét bối rối trong lời nói, lại ra vẻ từ tốn ‘kể chuyện xưa’, “Hồi cuối năm Quý Mẹo (1903), ông sơ của con lúc đó còn làm ở phủ nha, nghe mấy người già trong xóm nằm chiêm bao thấy ông Bạch Hổ đánh nhau với con thuồng luồng phương Bắc, rồi tạo hóa ở biển đông, trời đất thành tối tăm, mưa máu đổ tràn đồng, núi non kinh động... nghĩ rằng có điềm, mới đem chuyện giấc mơ kể lại cho quan Đô lại. Quan nghe cũng kinh sợ nhưng lại tỵ hiềm nên không dám bẩm báo lên trên chỉ âm thầm đôn đốc trong tỉnh nạo vét kênh mương, tu bổ đê điều, lại thăm dò các chỗ trũng yếu đề phòng đất lở đá trôi. Qua đầu xuân Giáp Thìn (1904), từ mười ba tháng ba (âm lịch) trời đổ mưa lớn, giờ ngọ mặt trời bị ăn mất. Mấy ngày liền mưa không dứt, giông gió dữ dội, đường xá, đồng ruộng ngập lụt hết trọi, hoa màu, heo gà chết nổi lềnh khênh. Nghe nói miệt Gia Định, Gò Công đất đai rung chuyển, sóng lớn cao 3 thước đánh sâu vào đất liền, dân chết không biết bao nhiêu mà kể, ‘chôn rồi lại lấy lời khai – tính trong sổ bộ muôn hai rõ ràng’ .” 

Ông Cả kéo khăn chàng tắm chậm chậm khóe mắt kèm nhèm, rì rầm tiếp tục câu chuyện.

“Trận đó lụt lớn lắm, mưa miết tới hăm ba mới ngớt, mà mưa hết thì lụt lên, rồi bệnh dịch. Dân xứ mình trước giờ không biết bão lụt, trời giáng xuống cái bất ngờ ai cũng trở tay không kịp, lũ lượt kéo nhau lên núi tránh nạn. Mấy bữa đó bầu trời Thất Sơn ngày cũng như đêm một màu hồng nhợt nhợt, dù giữa khuya, người lên núi cũng núi cũng mờ mờ nhận ra bóng nhau, người trước tiếp người sau nhờ vậy mà không bị lạc. Buổi chiều ngày dứt mưa, có cái mống lớn, sáng rực, mọc từ Bắc sang Đông. Từ trên đỉnh vồ Thiên Tuế có bóng dáng 2 ông Hắc Hổ cùng ông Bạch Hổ vọng thiên gầm rú, điều lạ là ông Bạch Hổ nhìn còn nhỏ, giống như chưa trưởng thành. Dân chúng khắp nơi quỳ xuống, hướng Vồ Thiên Tuế vái lạy... Mấy ngày tiếp sau đó, các đạo sĩ tu trên núi rời động tiếp trợ dân chúng, cho thuốc chữa bệnh cứu người. Họ bảo được Đức Thầy báo mộng, cho phương thuốc cứu trị dịch bệnh, lại giảng Pháp Mạt Ngươn, Hội Long Hoa, lại kể truyền thuyết ông Bạch Hổ.”

“Kể sao nội?” Thụy sốt sắng, thái độ không giống như những lần trước đây. Những truyền kỳ về Thất Sơn từ trước đến giờ thường nằm tản mạn trong các câu chuyện người già hay kể. Đám trẻ Xóm Núi được học tập, được ra bươn chải ngoài đời “học khôn” như Thụy vẫn “tin” vào những câu chuyện như vậy nhưng với cái nhìn hơi tò mò, nghi ngờ; thường xem như đó như là những những bài học về đạo đức, tôn giáo. Kiểu như cái nhìn của nhà khảo cứu, có thể họ tin vào sự kiện và nhân vật nhưng không tin lắm diễn biến câu chuyện và quá trình, muốn tìm tòi bằng chứng. Có khác đi chăng là niềm tin của Thụy và người Xóm Núi có một “tín ngưỡng” chống đỡ nên không dễ dàng sụp đổ hay suy suyển qua năm tháng. Không thiếu người tự hỏi, hoặc tìm tòi nhưng không ai chủ động đi chứng thực đến cùng chân tướng. Niềm tin đó tự nó mang trong mình tình yêu và sự kính trọng mà những huyền nghi không thể nào lay chuyển nổi. Giờ đây, mắt thấy một sự tồn tại có thể chứng thực được câu chuyện, Thụy lại muốn chính tai mình nghe lại những truyền thuyết để kiểm chứng lại sự kiện (sự thật?) tối hôm qua.



(rựa quéo: đao ngắn, dày và nặng, dài khoảng nửa thước, lưỡi cong sắc bén nghéo (quéo) vào bên trong, dùng để chặt, chém, bổ, lại dùng để giật, hái như lưỡi hái)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét