Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

13. Câu chuyện trên đường đi (3)



Ông Cả lấy điếu thuốc rê vắt trên vành tai, mồi lửa, rồi chậm rãi giảng giải: “Ông Bạch Hổ được thờ là Hộ Thần của Thiên Cấm Sơn. Bạch Hổ chủ sát tọa trấn hướng Tây, đứng thế đất cao, ngăn chặn thuồng luồng phương Bắc. Ông bà xưa truyền lại rằng mỗi một đời người thì có một đời ông Bạch Hổ giữ núi. Cứ cách khoảng một giáp (60 năm), vào 'năm Thìn bão lụt', nước lớn, mưa nhiều, thuồng luồng phương Bắc ăn theo mạch nước ngầm phương Nam trốn ra biển Đông để hóa rồng; tới Thất Sơn thời bị ông Bạch Hổ và hai ông phó thần Hắc Hổ chặn đánh. Ông Bạch Hổ làm tròn nhiệm vụ rồi tạo hóa. Hai ông Hắc Hổ một đực một cái sẽ sinh ra Bạch Hổ con. Đến khi Bạch Hổ mở mắt thì hai ổng bái thiên rồi quy ẩn núi rừng. Hai ông Hắc Hổ mới sẽ từ sơn lâm đến tìm và đi theo ông Bạch Hổ làm người thủ hộ sơn lâm suốt một giáp tiếp theo. Hễ mỗi lần ông Bạch Hổ mới xuất thế thì người có duyên sẽ thấy mấy ổng ‘bái thiên’ trên đỉnh vồ Thiên Tuế.” 

(Tuổi thọ trung bình của loài hổ trong tự nhiên là khoảng 10-20 năm)

“Không phải ông Bạch Hổ là thần sao nội? Sao ổng lại chết đi? Mà có ai chính mắt thấy ổng chưa nội? Có khi nào ổng thất bại...?” Những nghi vấn và hoang mang trong lòng Thụy sau khi nghe chuyện lại càng dâng lên như sóng cồn, Thụy buột miệng thành một mớ câu hỏi cho ông Cả.

Ông Cả nhìn Thụy, ngạc nhiên không thôi về thái độ kỳ lạ bữa nay của thằng cháu, “Nội không biết..., chuyện xưa ông bà kể lại, không biết mấy người tận mắt thấy, ông cố Năm bây có khi biết...”

Ông lại thở dài, trầm ngâm, sắp xếp lại trong đầu những suy nghĩ và lý giải của mình rồi chậm rãi ‘dạy dỗ’ thằng cháu: “Dân mình trước giờ dựa vào sơn lâm mà sống. Từ hồi ông cha xưa theo lời dạy Phật Thầy khai hoang, dẫn nước thời núi rừng che gió chắn mưa, hồi theo Đức Cố đánh giặc, giữ nhà thời núi rừng là nơi trú ẩn, cho tới bây giờ đồng ruộng bạt ngàn, một năm lúa làm 3 vụ, dân cư đông đúc, làng mạc quây quần cuộc sống cũng không tách khỏi núi rừng. Chỗ chở che, dựa dẫm, chỗ cội nguồn mình sinh ra lớn lên lại là chỗ mình quy túc lúc về già, nên kính nên yêu, rồi thành linh thiêng. Ông Bạch Hổ thủ hộ cái chỗ dựa linh thiêng đó nên trong lòng người ổng là thần. Ông Hộ Thần Bạch Hổ chẳng phải là một ông Bạch Hổ cụ thể nào, mà là cái tượng đài dân mình tín ngưỡng và truyền thừa qua nhiều thế hệ, diệt rồi lại sinh, đời này qua đời khác, hễ sơn lâm còn thời ổng còn, mà lòng mình tin thời ổng có. Đó là lẽ tồn tại của ông Bạch Hổ.”

“Lại nói, thứ gì tồn tại trên đời cũng có lẽ riêng của nó, con thuồng luồng tu ở đáy sông cai quản thủy vực, con người xâm phạm chặn nước ngăn đập tước đoạt điều kiện sống thời nó phản kháng cũng là lẽ bình thường. Ông Bạch Hổ tu trên núi, thủ hộ sơn lâm lại là lẽ tồn tại riêng của ổng, dẫu tiền thế ổng tạo hóa thì lại có hậu nhân. Có thắng thời có thua, thắng thời mưa thuận gió hòa, thua thời bão giông lụt lội, dân mình dẫu có chịu mất mát tang thương thì một phần cũng là cái quả phải trả. Nhân quả tuần hoàn, gieo nhân thời gặt quả. Trồng cây thời được rừng, khai hoang thời được ruộng. Như hồi xưa ông bà mình làm lúa mùa, mỗi năm một vụ, mùa nước lên tràn đồng cây lúa ngoi nước mà sống. 6 tháng làm, 6 tháng cho đất nghỉ, nhờ nước lũ rửa phèn, nhờ nước lụt bồi đắp phù sa. Thu hoạch không được bao nhiêu, mà chắt chiu vun vén cho đất. Đói lòng thì lên rừng hái trái, xuống sông bắt cá, cũng sống được qua ngày. Giờ năm làm 3 vụ lúa thần nông, đất không biết nghỉ, xài phân xài thuốc mà sâu bọ ngày càng nhiều, đất ngày càng bạc. Gạo trắng lại không thơm, gạo dẻo mà chẳng bùi, gạo nhiều mà không quý. Không vén không vun thì đời con đời cháu tụi bây còn lại được gì?!”

Ông Cả thở dài, Thụy cũng thở dài, nghĩ thầm ‘Nội lại bắt đầu cảm khái, thở than a’. Hắn cũng lờ mờ hiểu những gì ông nội cảm khái, nhưng biết sao được, mỗi thời mỗi khác, gieo nhân thì gần, mà gặt quả lại quá xa, thời này cuộc sống thay đổi từng phút từng giờ, ai kịp ngồi đắn đo cái nhân đời này, cái quả đời sau. Quan trọng hơn là Thụy giờ đang miên man với hình ảnh ông Bạch Hổ, về truyền thuyết, về lý giải của ông nội... Lần đầu tiên, từ tối qua đến giờ, trong đầu Thụy bắt đầu lắp ghép những giả thuyết và sự kiện, hắn mơ hồ ‘biết’ chuyện gì sắp xảy ra. Thụy lại nhìn cánh tay bó bột, thở dài..., hy vọng mọi chuyện không quá trễ.

Ngoài đề:

1.      Một bài viết rối rắm, mâu thuẫn và (có lẽ) hơi khó hiểu về niềm tin, nhưng mà đó là những gì Coa đang nghĩ/nhận thức a, hy vọng sau này có cơ hội sẽ chỉnh sửa lại bài này.


2.      Hội Long Hoa, Phật Thầy Tây An, Đạo Bửu Hương Kỳ Sơn, Năm Thìn bão lụt... và một số sự kiện, nhân vật (lịch sử) khác (sau này) được đề cập theo suy nghĩ/lý giải riêng của Coa, về thực hư/đúng sai xin vui lòng tha thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét