Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

11. Câu chuyện trên đường đi (1)



Thụy nắm con Tề Thiên, muốn đặt nó lên vai của mình nhưng nó cố sống cố chết đứng trong gùi ôm ông Cả Phu không buông. Thụy trong lòng thầm mắng “Con tinh quái này nó khi mình là thương binh a”.

Hắn lẽo đẽo theo đi theo ông nội. Trong lòng hết sức phân vân, dò dẫm mở lời với ông Cả, “Hôm qua mưa dữ quá hé nội!”

Ông Cả Phu trầm ngâm “Năm nào khoảng tháng này cũng có dông lớn, ác liệt như hôm qua thì trước giờ ít thấy” rồi thở dài “Có điềm động rừng, sắp tới coi bộ có chuyện xảy ra đa”

Thụy hơi giật mình. Hắn hoang mang về câu chuyện mình gặp gỡ tối qua. Người đi núi không thiếu gặp mãng xà thú dữ, những câu chuyện kể ba phần huyền hoặc về mãng xà, ông hổ, những bí ẩn hang ông Lang Bác Vật, những truyền thuyết về huyễn linh, về bùa ngãi, về Thiên Thư, Thần Quyền... được truyền tai nhau khắp xứ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người già ở Xóm Núi thích kể chuyện xưa, đám trẻ con lại không thiếu tò mò về những huyền bí, ly kỳ của xứ sở. Những câu chuyện từ hồi khai hoang mở cõi, thưở Phật Thầy cứu dân truyền đạo, hồi theo Đức Quản Cơ chống Pháp... Bắt đầu là những câu chuyện kể; rồi tiếp thời gian, nối thế hệ được nuôi dưỡng bằng niềm tin của lòng thành kính, sự tri ân và những câu chuyện hóa thân thành truyền thuyết, dựng lên trong lòng người Xóm Núi những thành lũy và tượng đài cao lớn, xa xưa và linh thiêng. Họ biết dù họ không sờ, không chạm vào được, nhưng nó vẫn tồn tại ngay-tại-đó.

Hắn vê vê vạt áo, ngước lên ông Cả Phu, “Tối qua, nội có nghe tiếng gì không...?”

Thụy không chắc về độ chân thật của những câu chuyện truyền thuyết. Có lẽ đó là cách những người lớn dạy đám con nít về sự thiện lương, biết kính trọng và nhớ ơn, dũng cảm và mưu trí, biết tò mò và biết hồ nghi, nhìn lớn lao vĩ đại mà thấy nhỏ bé khiêm cung, biết sơn lâm uy nghiêm mà gần gũi... Sự huyễn hoặc và hồ nghi của truyền thuyết giống như là một dung môi kỳ diệu, làm cho những bài học về đạo lý khô khan trở thành mềm mại, nhẹ nhàng thấm vào lòng người như một dòng nước mát. Khi gạt bỏ sự huyễn hoặc đi rồi thì truyền thuyết lại trở thành câu chuyện, những câu chuyện kỳ bí, những câu về sơn lâm và những con người của núi rừng xứ này. Và Thụy tin những câu chuyện kỳ bí như vậy. Nhưng giờ đây, hắn vẫn chưa biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào nên lại mò mẫm đường đi.

Ông Cả Phu chợt đứng lại quay đầu nhìn cháu, sau đó như cố ý phớt lờ, lừng chừng dò hỏi “Con lên núi gặp cái gì?”

Với Thụy, niềm tin là thứ lạ kỳ. Niềm tin không hẳn là sự thật hay bằng chứng, nó không phải là có hoặc không, là đúng hay sai, mà niềm tin bắt nguồn từ lý lẽ trong lòng mỗi con người. Người ta dùng khoa học đi tìm tòi những chân lý, chứng minh những sự thật, nhưng trong lòng họ, khoa học tự bản thân mình chưa bao giờ là cơ sở tuyệt đối của niềm tin. Như Thụy hay dùng ‘điển cố - con ma và thằng ngốc’ đùa với mấy đứa bạn ‘Nhân dân bảo có, nhà nước bảo không, các nhà khoa học chưa xác định và tao tin’. Chuyện Thụy tin ai? Dân, đảng hay nhà khoa học hay tin con ma thì còn là một ‘điều huyễn hoặc cần nghiên cứu’ :D

Thụy bối rối, lại hỏi ông Cả “Trước giờ nội chạm mặt... ông ba mươi lần nào chưa nội?”

Trong lòng mỗi con người, khi nghe thấy hay nhìn thất một câu chuyện, đều có những giả thuyết riêng, lý trí của họ có những suy diễn riêng và quan trọng hơn cả là trái tim của họ có những lý lẽ cùng với những khao khát, mong chờ. Như Thụy, trước giờ vẫn tin vào sự tồn tại của sự bảo hộ của Bạch Hổ, nhưng khi nhìn tận tay day tận mặt hắn lại không muốn tin, hoặc không dám tin vào chính con mắt của mình; cũng có thể là tự sâu thẳm trong lòng, Thụy hy vọng một điều gì đó không xảy ra. Cái kết cục mà Thụy nhìn thấy hoàn toàn không phải là điều hắn mong muốn. Hắn cần một lời phủ nhận từ các bậc tiền bối, nhưng hắn lại e sợ rằng đó lại là một lời xác định. Cho nên Thụy cứ mâu thuẫn và hoang mang.

Ông Cả ngó ngó thằng cháu, trong mắt hiện nét hồ nghi, nhưng vẫn chậm rãi như kể chuyện, như hồi tưởng xa xưa “Xứ mình trước đây cọp nhiều lắm đa. Thời ông cố người đi rừng phải vác sóc. Hồi nội 14-15 tuổi không biết nên không sợ, dắt con chó lần theo dấu chân trên ổng in trên cứt trùng. Đến gần Vồ Đá Dựng, thì con chó không đi nữa, nó lẩn quẩn bên chưn, kêu nó tránh nó không nghe, đánh thì nó bỏ chạy rồi đứng lại tru lên có vẻ sợ sệt. Nội tức giận bỏ nó lại, một mình đi tiếp. Tới gần vách đá nhìn xuống dưới miệng hang thời thấy ổng đứng đó. Ổng từ dưới miệng hang, phốc một cú nhảy lên trên triền dốc cao chục mét. Lúc đó nội sợ run, chưng chạy không nổi giống như bị trúng tà. Ổng đứng cách nội có 5-6m nhưng chỉ nhìn nhìn nội rồi bỏ đi. Một hồi sau nội mới hồi thần, chạy về nhà. Con chó nghe mùi ổng trên người nội nằm rúm ró không dám lại gần...” 

(sóc: giống giáo lại giống côn, to bằng cườm tay, dài khoảng 2-3m, làm bằng gỗ tốt, rất cứng rắn, một đầu vót nhọn, chủ yếu dùng để đối phó với các cú vồ của hổ, báo. Khi đi rừng người ta vác xiên trên vai để phòng thú dữ vồ từ phía sau, gặp hổ, người đi rừng ngồi xổm xuống, giữ mình trực diện với con hổ, ôm sóc xiên khoảng 60 độ, hổ sẽ không dám vồ, người đi rừng cứ thế ‘phòng thủ’ chờ hổ bỏ đi, hoặc đồng bạn đến giúp đỡ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét