Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

14. Ông Năm Võng



Mấy tia nắng sáng đầu tiên đã bắt đầu chiếu trên những tán cây cao nhất của đỉnh vồ, sương loãng hơn, từ đàng xa, trong bóng mờ, có thể thấy được đầu non ửng lên mấy tia vàng lấp lóe. Thụy và ông Cả Phu quẹo qua khúc quanh bước vào chùa Phật Nhỏ. Con Tề Thiên đứng trong gùi với tay hái mấy trái dâu bên đường, nhe răng cạp lớp vỏ xanh rồi nhăn mặt vì chua, thuận tay vứt xuống gốc cây. Thụy trừng, nó bẽn lẽn rụt người núp xuống trong gùi, chỉ để lộ ra đỉnh đầu và cặp mắt ‘ai oán’ nhìn Thụy.

Ông Năm Võng đang thắp nhang ngoài bàn thờ ông thiêng, nghe ông Cả Phu và Thụy cất tiếng thưa ngước lên trả lời “Đi núi hả bây? Thằng Thụy về hồi nào đó?”

“Dạ, con lên núi hồi tối.” Thụy nhanh nhảu trả lời, mắt liếc nhìn con Tề Thiên từ trên gùi phóng xuống, mở cửa điện thờ, chạy gấp gấp vào trong. Thụy biết tổng là nó đi tìm con Mai. Con Mai, bạn gái Tề Thiên, là con khỉ ‘gái’ ông Năm Võng nhặt được hồi 3 năm trước nuôi tới giờ.

Ông Năm Võng là con nuôi của ông sơ của Thụy. Tổ tiên của ông quê miệt Sa Đéc, nổi tiếng nghề y; thời giặc giã loạn lạc, đi theo nghĩa quân của Đức Cố Quảng chống Pháp, dọc đường hành y cứu người rồi neo đậu xứ núi này. Gia đình Năm Võng ba đời một dòng độc đinh, sớm mồ côi cha mẹ, ông lại có ơn cứu mạng với ông sơ của Thụy là ông Hương Cả Thung nên được nhận làm con nuôi. Thời trẻ ông lưu lạc học võ nghệ trên núi Tà Lơn bên Miên, sau đó về xứ, đi lính được mấy năm, bị thương rồi về lại quê nhà, định cư trên núi, cưới vợ sinh con. Cha già con muộn, tưởng đâu nuôi con lớn lên dựng vợ gả chồng là sắp hưởng phước tuổi già ai ngờ tai nạn sập xuống ngỡ ngàng cướp đi hết thảy. Ông Năm mông, cả cái Xóm Núi cũng mông rồi. Chuyện buồn đau của ông cũng là một truyền kỳ nhưng người Xóm Núi này ít ai nhắc tới. Từ hồi vợ con ông Năm mất, ổng sống một mình chăm lo hương khói ở chùa Phật Nhỏ. Ông Năm lớn tuổi rồi Ba và mấy chú Bác của Thụy muốn rước về nhà phụng dưỡng ổng chỉ thở dài “Số tao cô độc, không đặng sống gần người thân”...

Ông Năm Võng hào sảng, sốt sắn, thấy việc nghĩa không từ lại đặng võ đặng văn nên ba xóm bốn làng xung quanh đều nghe danh kính trọng. Ông giỏi võ lại có biệt tài bẫy thú bằng lưới săn thần sầu, chỉ cần một cán sóc, một cái lưới gai, ổng dám vào rừng một mình săn lợn rừng, đánh hổ nên đặng cái biệt danh ‘Năm Võng’. Đám thanh niên Xóm Núi, gái cũng như trai, từ thời ông Cả Phu tới thời của Thụy, 8 phần đều thọ giáo qua lớp võ của thầy Năm Võng. Kiểu đệ tử chân truyền như anh Ba của Thụy thì một đường săn mây ‘toàn xóm’ không địch thủ...

Mà dân xứ này nhiều người biết tiếng và kính trọng ông Năm, già trẻ gái trai đều tôn kính gọi ông một tiếng Thầy lại bởi vì một tay bốc thuốc cứu người của ông. Từ hồi trước giải phóng, điều kiện chữa bệnh còn lạc hậu, đường xá đi lại khó khăn, dân chúng vùng Tri Tôn, Tịnh Biên rất nhiều người tìm lên núi Cấm tìm Thầy Năm hốt thuốc Nam trị bệnh, cho tới giờ Tây Y phát triển vù vù, bệnh viện, trạm xá khang trang, đường lộ lớn liền một mạch tới thị xã Châu Đốc, cũng không hề thiếu người đến cầu y. Không biết tại Thầy Năm Võng mát tay hay nghề, hoặc có thể là vì cái lẽ ‘thuốc Nam trị người Nam’ mà thuốc bốc bệnh lành. Nhiều người tận miệt U Minh hay xứ Miên bị bệnh nan-y-bác-sĩ-chê, van vái tứ phương cầu may đến gặp thầy Năm lại khỏi hẳn.

***

Ba ông cháu ngồi ngoài ghế đá uống trà ngoài sân liên thiên chuyện người chuyện đời. Ông Năm ‘coi’ cái tay cho Thụy. Tối qua lên núi vận động mạnh lại bị thấm nước nên thạch cao bị nứt ra và hơi ngứa, về tới nhà rồi Thụy cũng ngại đi ra lại thị xã kiểm tra, thế là ông cháu ‘thống nhất’ nhau gỡ bột sớm: “Động xương cốt 100 ngày mới lành hẳn, nhưng tay bây bị nhẹ, bó thuốc 1 tuần là gỡ nẹp, cử động nhẹ như thường”.

Ông Năm Võng xoa nắn chỗ gãy bằng rượu thuốc, giã nát lá bìm bịp với muối hột rồi dùng vải mùn quấn quanh chỗ bị thương, lại lấy gốc cây mía đen dài bằng cườm tay chẻ làm bốn, loát qua bằng rượu thuốc rồi nẹp vào cố định chỗ xương gãy, cố định lại một lần nữa bằng vải mùn là hoàn công. Cả thảy chừng 10 phút, Thụy một bên nhìn chăm chăm động tác lanh lẹ, chuẩn xác, nhìn gút cột chắc chắn, xinh đẹp của cụ cố gần 100 tuổi một bên cảm khái không thôi “Ông Cố đúng là bảo đao chưa mòn ah”.

Ông Năm vừa làm lại vừa rề rà câu chuyện xưa “Bìm bịp là thứ tốt đa. Hồi xưa dân miền núi đi rừng, trèo đèo lội suối, bị thương tật, gãy tay trật chân chỉ biết nắn lại cho đúng vị trí rồi cố định chờ lành. Trong nhà có người bị gãy tay chân là mất một công lao động cả 2, 3 tháng trời, bị nặng thời mất sức là nhẹ có khi mất mạng luôn chứ chả chơi. Chỗ bị thương đã lâu lành, khi lành lại yếu ớt, không được như trước. Có ông thầy lang vùng nọ cứu con chim bìm bịp non bị đám trẻ con trong xóm bắt chơi, thấy con chim bị gãy chân, ổng mới nắn lại rồi bỏ vào ổ. Chiều đó, con chim bìm bịp mẹ về tổ thấy con bị thương mới cắn lá cây đắp cho chim non. Mới có mấy ngày chim con chân lành, ra tổ chạy nhảy như thường. Thấy tác dụng thần kỳ của cái lá cây nọ, ông thầy lang mới thử dùng trị cho người, từ đó người ta mới dùng luôn cái tên ‘bìm bịp’ gọi cho cái cây kia. Ngoại trừ bó gãy xương trật tay, bìm bịp còn trị khớp, trị loét bao tử thần sầu đa. Nhưng mà không có rượu thuốc của ông thì công hiệu chậm mất 3 phần.” Nói dứt, cột cái nút cuối cùng rồi xoa xoa đầu Thụy “Mới bó hơi đau a, hai ngày một lần bây tới đây ông thay thuốc, ba bốn lần là bỏ nẹp được”.

Thụy cười ‘bẽn lẽn’, hắn 30 tuổi mà ông Nội với ông Cố cứ xoa đầu, xoa đầu, nhéo tai, nhéo tai cứ như còn 3 tuổi a. Nhưng dù sao, thích! ^^

Thú thật, ban đầu Thụy cũng không mấy tin về tiến-độ-lành-siêu-tốc như vậy a, hắc mặc kệ nghĩ “dù sao nứt xương nhẹ thì nẹp tay cố định cũng tự lành”. Bó thuốc xong cảm thấy man mát do rượu bay hơi, sau đó là cảm giác hơi nóng và nhột nhạt như kiến bò khiến trong xương Thụy bất ngờ về tác dụng nhanh chóng của thuốc. Sau mấy ngày thì Thụy phục rồi, tới lần thay thuốc thứ hai lần thì cảm giác ê ẩm của vết thương dứt hẳn, mấy ngón tay đã cử động linh hoạt. Nhưng đó là chuyện kể sau.

Còn bây giờ, Thụy rót chén trà ngồi một bên nghe ông Cả Phu và ông Năm Võng nói liên thiên chuyện thời tiết mùa màng và xem ...diễn hài. Con Tề Thiên đưa cho con Mai chùm dâu chua nó hái khi nãy chưa kịp vứt và chí chóe nói gì đó chỉ có hai đứa hiểu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét