Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

4. Lên núi đêm – Gặp gỡ thoáng qua



“Hiệp sĩ một tay” xách lồng chó, dọc theo đường mòn lên núi. Trong lòng Thụy nhảy nhót nôn nao nên bước chân cứ lâng lâng, thoắt cái đã gần đến suối Thanh Long.

Ba con chó nhỏ no nê nằm im trong lồng. Lúc xuống xe chuẩn bị lên núi, Thụy vừa cho chó con ăn sữa. Con Đen to nhất, ra dáng ‘đàn anh’, ăn uống hết sức từ tốn, chậm rãi. Con Nâu tính tình ác liệt, vừa ăn vừa gầm gừ và dùng cái mõm ngắn và cái mông béo ú hất con Đốm ra khỏi ‘vòng chiến’, con Đốm ngốc ngốc chạy tới chạy lui kêu ‘âu âu’, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn về phía Thụy cầu cứu.

Chó mun săn khôn lanh, không nhận người lạ, nhưng trung thành với chủ. Ba con chó nhỏ với Thụy coi như có duyên, lại ‘vừa gặp đã thân’ nên Thụy càng nhìn càng hài lòng, một tay xách lồng leo dốc một đường không mỏi.

Hồ Thanh Long, Cao Đài Tự, suối Sư Bình, qua Vồ Bà, gần đến chùa Phật Nhỏ là tới nhà, một đường nôn nao, một vùng thân thuộc. Tiếng suối chảy ồ ồ, tiếng côn trùng, giọt sương rơi trên da thịt, một đường ánh trăng bàng bạc sương mù mông lung, thân thuộc quá chừng. Từng bậc thang thấp cao, Thụy bước đi nhẹ nhàng như trên đất bằng.

Những người lớn tuổi vùng này kiêng kỵ đi đêm, một phần vì rừng núi hoang vu thâm u, nhiều mãng xà, thú dữ, một phần vì tôn kính linh thiêng. Năm Non, Bảy Núi, Chín Sông từ xưa đến giờ không thiếu những truyền thuyết ly kỳ. Ông nội kể hồi trước người Xóm Núi đi rừng ai cũng phải mang theo cây săn mây và cái rựa lận lưng để đề phòng rắn rít cọp beo. Gặp thú dữ, sơn dân có nghề còn dám đánh nhưng mà gặp phải linh thú thì chỉ có quỳ lạy xin tha. Người dân Xóm Núi tin tưởng rằng linh thú như mãng xà, ông ba mươi (cọp) tu luyện và thủ hộ rừng núi, không hại người. Có kỵ có thiêng, có kiêng có lành. Tin và sợ ràng buộc con người, nhưng niềm tôn kính mới làm sơn dân sinh sống chan hòa, yên lành cùng với núi rừng. Tôn kính sơn lâm là bài học đầu tiên và được nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc đời người dân núi. (cây săn mây: làm từ dây mây rừng, dẻo dai, dài khoảng 2m một đầu nhọn dùng làm thương, một đầu dẹp dùng làm đao)

Hồi tưởng của Thụy cắt ngang vì ba con chó nhỏ đột nhiên cào lòng sắt, rên rỉ và co rúm ró ép sát vào thành lồng. Linh cảm có cái gì đó làm cho bọn nó sơ hãi, Thụy dừng bước vỗ vỗ vào thành lồng trấn an, rồi dáo dát nhìn quanh. Có mùi ‘khen khét’. Thụy hơi ngạc nhiên, chẳng lẽ có ai đốt cái gì rồi quên dập lửa gây cháy?! Hôm trước trời mới mưa, rừng khuya sương xuống ẩm ướt làm sao cháy được, huống hồ ai đốt vàng mã giờ này...

Trong đầu lại hình thành một ý nghĩ mơ hồ. Thụy đưa mắt nhìn về hướng Vồ Thiên Tuế. 

“Gràooo” một tiếng rống chấn thiên cùng với một bóng trắng vụt qua rổi biến mất trong đám cây bụi rậm rạp bên kia vồ. Ba con chó nhỏ run bần bật trong lồng.  (Vồ (hoặc non):chỉ một chỏm đá cao, hay một mỏm đá nhô cao trên núi).

“Mùi khét, bọn chó hoảng sợ, Ông Ba Mươi, Ông Ba Mươi, chắc chắn là Ông Ba Mươi... hơn nữa là màu trắng, màu trắng, xuất hiện trên Vồ Thiên Tuế...” hình ảnh trong đầu Thụy lướt nhanh, chân như bay trên các bậc thang lên núi, có khi 2-3 bậc một lúc, cái tay bị thương không ảnh hưởng chút nào đến cước bộ.

Một đường ào ào như bay, đến gần Cao Đài Tự, thấy chó không run rẩy nữa Thụy mới dừng lại thở, khu này có người ở, có gì... đỡ sợ ahhhh.

Nghe mùi, con chó cụp đuôi, nhanh chân bỏ chạy ông ba mươi tới gần

Người dân Xóm Núi không ai không biết chuyện chó săn sợ hổ. Con hổ - ông Ba Mươi có ‘mùi khét’ đặc thù, mà cả chó săn và chó nhà đều rất sợ. 

Người Bảy Núi ngày trước nuôi chó mun săn để huấn luyện giúp chủ đi săn thú. Một đàn ba bốn con. Con chó đầu đàn phải chọn con chó có ‘máu mặt’, tai nhỏ, bụng thon, thạo đánh hơi và theo dấu con mồi. Khi gặp thú rừng như hươu, nai, rắn, thậm chí lợn rừng, con chó đầu đàn sẽ báo cho chủ biết rồi theo dấu truy đuổi con mồi. 

Nhưng khi gặp ông Ba Mươi, hoặc vào địa bàn có ‘mùi’ của ổng thì đàn chó không dám đánh hơi nữa mà quanh quẩn, rối rít bên người chủ. Người chủ thấy đàn chó cụp đuôi sợ sệt co cụm lại là ‘biết ý’, cả người cả chó... bỏ chạy nhanh nhanh nhanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét