Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

9. Khỉ Xóm Núi



Hai ông cháu Thụy vác gùi, vác gùi, cầm săn mây, cầm săn mây, khép cửa nhà chuẩn bị hướng chùa Phật Nhỏ mà đi. Con Đen kêu ăng ẳng dùng móng vuốt cào a cào, cố sức chui qua khe hẹp dưới cửa đòi theo. Con Tề Thiên mới đi hoang ở đâu về, khẹc khẹc chào hỏi với Thụy rồi nhảy thót vào ngồi gọn trong cái gùi trên lưng ông Cả Phu.

Nhắc tới Tề Thiên thì không thiếu chuyện để kể. Quê Thụy, trong nhà có nuôi khỉ không hiếm. Giống khỉ vàng hoặc khỉ đuôi dài núi Cấm nhỏ con, nhanh nhẹn, tinh ranh, biết giữ nhà, đuổi chim, sóc trộm trái cây, được người dân yêu thích không thua gì loài chó.

Người Xóm Núi không săn bắt khỉ. Có nuôi khỉ (hoặc có khỉ) trong nhà với người dân ở đây coi như là một mối lương duyên.

Khỉ núi Cấm hoang dã, thông minh nhưng nghịch ngợm, tò mò đôi khi mắc bẫy thú rừng hay bị các loài động vật khác tấn công. Đám nhỏ Xóm Núi suốt ngày hoang dã trong rừng, ngoài suối, không hiếm gặp những trường hợp ‘giải cứu thú rừng’. Đặc biệt, những câu chuyện liên quan đến cứu giúp cho các vị ‘Tề Thiên Đại Thánh’ lâm nạn luôn được kể lại một cách đầy hào hứng và được quan tâm ở mức độ đặc biệt.

Thì ôi thôi, đủ mọi màu sắc, đủ mọi nguồn cơn với những ông chúa nghịch dại này. Khỉ vướng bẫy thú rừng. Thường! Khỉ đu dây rừng mục rớt xuống giữa hồ Thủy Liêm. Ngu chưa?! Rồi khỉ trộm mồi chim bị kẹt tay trong bẫy, Ngộ! Chưa đâu, khỉ còn trộm cá bị câu cặm dính môi, khỉ mắc lưới dơi, bị kẹt tay trong lợp cá, bị bầy chó rượt, bị mèo rừng đuổi,...

Mà kể cũng lạ, nhiều lúc Thụy nghĩ thầm chắc cái đám khỉ kia sống ở đây, uống nước xứ này nên nhiễm luôn cái tính tự nhiên, phóng khoáng của người Bảy Núi, có khi trở thành tùy tiện. Chứ ai đời đi trộm cá người ta, bị kẹt tay trong lợp, nhìn thấy chủ lợp lại đi ‘tố khổ’. Chủ lợp muốn giúp nhưng mà tay chú (khỉ) cứ nắm chặt con cá thì làm sao rút ra? Làm sao a? Chủ lợp phải tháo bung nắp lợp, cho chú ấy dùng tay kia giữ cá, lúc này cái tay bị kẹt mới chịu buông lỏng để rút ra khỏi bẫy. Đúng là ngu ngốc hại mình hại người. Mà đã hết đâu, thoát bẫy, chú ấy lại giả nai, hai tay cầm cá ‘dâng’ trả lại cho chủ lợp, ánh mắt thì cứ gọi là long lanh thơ ngây vô tội như ‘nói’ rằng [ông mà lấy lại là tui khóc, tui khóc thiệt á nghen]. Dĩ nhiên con khỉ không biết khóc (hoặc không khóc hu hu theo kiểu con người tưởng); và dĩ nhiên cũng không một người Xóm Núi nào nỡ lòng lấy lại con cá mà người ta (khỉ ta) đã ‘vất vả’ trộm được kia. Thế, nói khỉ ngốc thì không chắc, nhưng bảo khỉ núi Cấm ma lanh thì hẳn rồi!

Giống khỉ xứ này, chỉ ăn lá và trái cây, họa hoằn lắm mới đi trộm cá, bắt dơi ‘đổi bữa ăn tươi’ và sa cơ lâm nạn, thế mới nói gặp được là ‘duyên’. Mà khỉ khôn nên nhận người quen, duyên sinh, duyên hành rồi thành ‘bằng hữu’. Cứu khỉ một lần khỉ trả ơn bằng trái cây, mộc nhĩ; cho khỉ đồ ăn riết khỉ quen thì khi gặp mặt khỉ chào (và xòe tay xin ăn); ai lại chịu khó dày công tiếp xúc và đạt được tín nhiệm thì có khi chúng theo về nhà. Có con sống trong nhà cả đời, có con ở vài năm rồi lại quay về rừng núi, người chủ cũng không giữ, coi như hết duyên thì khỉ ra đi, vậy thôi. Nhưng tận mấy năm sau, vô tình trong rừng sâu gặp được khỉ vẫn nhận ra chủ cũ, khỉ lại kéo bầu đoàn thê tử ra chào. Người Xóm núi cứ gọi là rưng rưng cảm xúc, thấy y hệt như mình có đứa con trai/con gái đi ‘mần ăn’ xa, nay dắt vợ, chồng, con cái về thăm...

Quay lại câu chuyện của Tề Thiên. Gọi là Tề Thiên một là vì người xứ Thụy cứ gọi vậy. Hễ nuôi khỉ thì một gọi là Mai, ai không thích tên đó thì gọi là Tề Thiên, dẫu sao không phải nhà nào cũng có nuôi khỉ và đám khỉ nuôi trong nhà cũng ít khi ‘chơi chung’ với nhau nên cũng hiếm khi bị gọi trùng. Để khỏi nhầm lẫn thì gọi kèm luôn cái tên của chủ, kiểu như “Con Tề Thiên nhà ông Sáu Trực ăn trộm vú sữa nhà mình cho chó ăn”, “Con Tề Thiên nhà ông Sáu Trực ăn trộm trứng bị gà mổ”, “Anh Cả ơi, ‘cháu nội anh’ bị chó dzí ngoài cây da dưới chùa Phật Nhỏ”, “Mèn đét ơi, chị Sáu qua coi, thằng Tề Thiên nhà chị dập bể kiếng của tui nè”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét