Âm thanh hay mùi hương là một trải nghiệm kỳ diệu của không chỉ của tai nghe, của mũi ngửi mà còn của trái tim, của cảm tình và ký ức. Người ta đặt kiến thức vào trong những cuốn sách. Người ta bắt giữ hình ảnh cất trong cái TV. Họ giữ mùi hương cất vào trong lọ nước hoa. Họ lại bắt được âm thanh cất vào trong đĩa CD, cái thẻ nhớ. Nhưng người ta không lưu lại được những cảm xúc, không truyền lại được trọn vẹn những trải nghiệm của mình.
10 năm xa nhà, Thụy nhớ tiếng suối Thanh Long đổ
đùng đùng những mùa mưa, nhớ cái tiếng gió rừng già u u lùa trong khe núi, nhớ tiếng
bìm bịp kêu chiều, tiếng dơi đêm, tiếng sói vọng trăng khuya, tiếng con chích
chòe hót đầu cành ban sáng, nhớ đến cả tiếng chổi quét sân xạc xào, tiếng cằn
nhằn của mẹ, tiếng nội húng hắn ho, tiếng chày cha giã bàng... Mà ngặt nỗi ký ức
cứ lờ lờ như có một tầng sương mù che phủ. Nỗi nhớ không thể rửa ra ảnh chụp,
không thể quay phim để post lên youtube. Thụy lại không thể kể cho ai nghe vì
âm thanh không tả được bằng lời.
Nhiều khi Thụy nghĩ, nếu mình là nhạc sĩ thì tốt
rồi, Thụy muốn ghi lại những âm thanh kia theo cách riêng của mình để cất đi,
hay mang theo, hoặc để lúc nào cần Thụy có thể ‘nhìn’ thấy. Rồi Thụy lại rối rắm,
giả sử âm thanh kia nếu ghi lại được, thanh âm kia nếu diễn tấu được đi thì
cũng vô hồn, cũng chỉ là dung môi, là vật dẫn để gợi nhớ lại, để Thụy tìm về
cái tiếng vang vọng thăm thẳm trong lòng kia.
Tiếng dòng thác ầm vang trong mưa gió hào hùng
không thể nào ‘nghe ra’ giữa căn phòng máy lạnh với bốn bức tường, tiếng đá reo
không thể nghe giữa dòng xe cộ Sài gòn, tiếng bìm bịp không thể thiếu ánh nắng
chiều, tiếng dơi đêm làm sao thiếu mùi nhãn chín, tiếng con sói vọng - trăng
đâu? Con chích chòe núp trong lùm cây trên cao, làm sao kêu vui chỗ nghìn nghịt
đông người.
Bối cảnh, thời gian, sự cộng hưởng... Thụy gọi
đó là ‘gia’ của thanh âm. Giống như Thụy có ‘gia’ của mình. Tiếng quét nhà là của
mẹ, tiếng giã bàng của cha, tiếng anh Ba phát rẫy, tiếng lục đục của chị hai nấu
cơm chiều, tiếng ho của ông... tiếng cằn nhằn, Thụy biết, đó là tình yêu
thương, sự quan tâm dành cho những đứa con ‘lớn già đầu mà không nên thân nên
hình’ của mẹ.
Sáng nay, Thụy thứ giấc ở nhà của mình, nằm trên
chiếc chõng tre thân thuộc của mình, nghe tiếng hót ngoài cửa sổ, hít hà mùi
bông ngâu của nội trồng bên sàn nước. 4 giờ 30, ngoài trời đã tờ mờ, sương núi
giăng bồng bềnh như dải lụa, à mà không, đó là sương ‘truyền thuyết’ của mấy
vùng cao nguyên núi cao ngàn mét. Sương ở xứ Thụy đọng lại từng chùm, từng chùm
trắng xốp trên tán cây, trên mái nhà; là đà, nhảy nhót bên suối Thanh Long, thác
Thủy Liêm như muốn hòa mình vào dòng nước; sương miền Bảy Núi cứ tưởng mình là
mưa muốn sầm sập đổ xuống vồ, xuống non, xuống ảng; sương lại ngỡ mình là gió, muốn
thổi vào động, vào hang...
Thụy nhìn qua cửa sổ thấy lờ mờ trong sương mấy
người vác săn mây đi rẫy sớm. Bộ ngựa đối diện, ông nội lục đục thức dậy ‘đi rừng’.
Ông Cả Phu trước đây là người gác rừng, nay lớn tuổi lại ‘cách đời’ truyền cho anh
Ba của Thụy. Chòi canh nằm trên các vồ cao, các hộ trong Xóm Núi thay phiên
nhau cắt cử người gác đêm phòng hỏa hoạn, phòng thú rừng phá rẫy. Ông Cả Phu
không còn gác rừng nữa nhưng vẫn giữ thói quen buổi sáng đi một vòng đỉnh núi
thắp nhang ở Chùa Phật Nhỏ, đi vồ Pháo Binh, vồ Chư Thần, quay về Vồ Giữa, đến
thắp nhang Điện Bồ Hong rồi mới xuống núi về nhà. Mấy anh em nhà Thụy nhờ từ nhỏ
theo ông mà luyện thành ‘Thạch Thượng Phiêu’, đi trên đá núi giống như đeo giày
patanh bon bon trên vỉa hè đá hoa cương trơn bóng.
Thụy xăng xái xuống giường chuẩn bị theo ông đi
núi.
Tối qua Thụy về khuya
(hơn 10h?), cả người ướt nhẹp, tay bó bột, lưng mang ba lô, tay kia xách lồng
chó, hào khí ngất trời làm ông sáu Trực một trận hết hồn, và rước lấy một trận
‘cằn nhằn’ thỏa-lòng-mong-ước từ bà Sáu Trực. Thụy nghi ngờ rằng vì mẹ biết
chuyện trong bụng mình nhung nhớ cái ‘thanh âm quê nhà’, nên mới ‘thiết đãi’ hắn
một trận nên-thân như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét