Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

15. Sự tích con chim bìm bịp



Con Mai nhìn có vẻ là một đứa con (khỉ) gái nề nếp gia phong, mặc váy hồng phấn và không mặc quần (dĩ nhiên), leo trèo nhẹ nhàng, đi đứng khoan thai đúng như giới tính của nó. Nhưng chỉ có người trong nhà Thụy và con Tề Thiên mới biết nó dữ dằn cỡ nào. Nó nhận chùm dâu, bẽn lẽn cười nói-cám-ơn (nếu Thụy phiên dịch đúng như vậy), từ tốn bứt một trái, từ tốn đưa lên miệng, cắn, rồi bỗng nhiên bộc phát bản chất. Nó nó nhảy dựng lên, chí chóe liên hồi làm con Tề Thiên hoảng hồn tót lên trên cây nhãn ngồi cười khằng khặc.

Con Mai bứt mấy trái dâu còn lại ném a ném. Tề Thiên né a né; chịu chết a, nó không dám hái nhãn ném lại, không thì tét đít với ông Cả Phu. Con Mai càng ném càng hăng còn Tề Thiên thì càng né càng buồn bực, nó loay hoay tìm thứ gì có thể làm đạn dược để ăn miếng trả miếng với con Mai. Đạn tìm không thấy nhưng nó tìm thấy viện binh.

Binh pháp có dạy... e hèm, mà binh pháp cái khỉ gì, nó là một con khỉ a. Nói chung là trong chiến tranh khi một bên bị một bên đơn phương đàn áp không có sức kháng cự (vì thực lực kém, vì mất tiên cơ... gì gì đó) thì tự nhiên là phải tìm và lôi kéo viện binh. Viện binh mà con Tề Thiên nhìn thấy là cái ổ chim, bờm xờm, dơ hầy treo thấp chủm chỗ lùm mai sát mé hàng rào. Còn cách lôi kéo viện binh hả? Dễ òm, vô cớ bị tấn công ai mà không điên a.

Thấy được mục tiêu, Tề Thiên thay đổi chiến thuật, một bên né tránh một bên thoăn thoắt quăng mình chuyền về mé tổ chim. Con Mai chọi sướng tay rồi, hết trái dâu rồi tới mận rụng, nhặt nhặt, đuổi đuổi, ném ném. Bỗng một tiếng thét khàn đục rít lên “Điệp!!!” Con Điệp lên sân khấu...

Anh Ba của Thụy từng nói “thiệt là xúc phạm tiền nhân, thiệt là xúc phạm người mê cải lương, thiệt là xúc phạm hết sức...” khi lấy tên nam nhân vật chính kinh điển đặt tên cho cái con quái quỷ, dữ dằn, hư thân mất nết đó. Ah, con đó là con Điệp, hơn nữa là một con chim, con chim bìm bịp.

Số là anh em nhà Thụy không mấy thích giống chim này, một phần bộ lông xấu xí, hôi hám, tiếng kêu trầm đục khó nghe, nhưng lý do chính mà chúng nó bị tẩy chai lại hết sức hồn nhiên: tại sự tích con bìm bịp.

Hồi xưa, có nhà sư ăn chay, niệm phật lâu năm rồi vẫn chưa thành chánh quả. Bữa nọ ổng mới khăn gói (thật ra là cà sa, bình bát) lên đường tìm Phật ‘chất vấn’.

Trên đường đi nhà sư bị một tên tên tướng cướp ác ôn chặn đường đòi dánh cướp. Nhà sư mới từ tốn khuyên bảo tên cướp rằng mình tứ đại giai không, không có tài sản của cải gì, lại giảng kinh sám hối, giảng luật nhân quả, giảng lẽ luân hồi cho tên cướp nghe cả-ngày.

Tướng cướp ăn năn, buông đao quỳ xuống quy y, xin nhà sư nhận làm đệ tử. Nhà sư mới bảo “Con người ta tu cốt ở con-tim-chân-thực, nếu lòng con đã hối cải thì Phật sẽ biết tới. Ta không nhận con làm đệ tử được vì ta đang trên đường đi gặp phật tổ.”

Tên cướp nghe vậy khẳng khái nâng đao lên, vạch ngực lấy ra trái tim dâng cho nhà sư và nói “Con làm chuyện ác bao nhiêu năm, nay nghe thầy giảng mới ngộ ra, con đã ăn năn sám hối, nếu thầy gặp Phật tổ xin cho con gởi trái-tim-chân-thực của con cho người.”

Nhà sư muốn ngăn nhưng đã muộn rồi, mới chôn cất tên cướp, đọc kinh siêu độ rồi mang theo trái tim tiếp tục cuộc hành trình.

Qua một ngày, trái tim bắt đầu nặng mùi, nhà sư mới dùng lá cây gói kỹ lại mang đi.

Qua ngày thứ hai, trái tim thối rữa, mùi hôi nồng nặc, ruồi nhặng bu đầy, nhà sư vẫn kiên nhẫn mang đi.

Đến ngày thứ ba, trái tim sinh giòi bọ lúc nhúc, máu mủ chảy nhớp nháp, mùi thối huân thiên, nhà sư mất kiên nhẫn, oán mình oán người, giận hờn trong lòng thầm nghĩ “Tu gì thằng ăn cướp”, rồi tìm bờ lau lách um tùm ven sông vứt xuống trái tim.

Trái tim rơi vào trong nước, nổi lềnh phềnh, nước ngấm vào phát ra tiếng ‘bìm bịp, bìm bịp’.

Cuối cùng, sau nhiều năm, qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, một ngày kia, nhà sư cũng gặp được đức Phật.

Phật ca ngợi công đức của nhà sư đã làm từ trước, cuối cùng Phật mới hỏi “Trên đường con đến đây, có ai gởi gì cho ta không?”

Nhà sư ngẫm nghĩ lúc lâu mới nhớ ra “Thưa đức phật, trên đường đi có tên tướng cướp gởi một trái tim dâng cho người, nhưng con thầm nghĩ nó đã thối rữa sao có thể dâng lên cho đức ngài nên đã ném nó rồi.”

Đức Phật trầm ngâm thuyết “Mặc dù con tri đạo, hành thiện tích đức, công đức cao dày, nhưng chưa ngộ căn nguyên. Nay con về tìm trái tim kia, tìm được rồi tức thời thành chánh quả.”

Nhà sư tỉnh ngộ, bèn quay lại đường cũ, dọc bờ lau lách tìm lại trái tim mình đã vứt đi, mà nào có thấy.

Một ngày kia, nhà sư chết hóa thành con chim bìm bịp, chiếc áo nâu hóa thành màu lông trên lưng, luồn lách hết bờ lau này qua bờ sậy nọ nơi bến sông, đời đời kiếp kiếp kêu nước lớn nước ròng tìm lại cho được trái tim.

Vậy đó, anh Ba ‘con nhà nòi’ Miền Tây thứ thiệt, ghét thứ-người-nói-không-giữ-lời, nên ghét loại chim bìm bịp. Mấy năm rộ phong trào ngâm rượu thuốc chim bìm bịp với rắn, ổng còn lầm bầm “Cho mấy cha nhậu ngâm rượu hết cho rồi, thứ gì vừa dơ vừa hôi”. Thảo-đen nghe ba nói, gật gù phụ họa “Ừm, dơ thì phải hôi thôi!”. Ông Cả Phu vuốt đầu thằng cháu “Cha mày, biết gì mà nói leo”. Anh ba trợn trắng.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

14. Ông Năm Võng



Mấy tia nắng sáng đầu tiên đã bắt đầu chiếu trên những tán cây cao nhất của đỉnh vồ, sương loãng hơn, từ đàng xa, trong bóng mờ, có thể thấy được đầu non ửng lên mấy tia vàng lấp lóe. Thụy và ông Cả Phu quẹo qua khúc quanh bước vào chùa Phật Nhỏ. Con Tề Thiên đứng trong gùi với tay hái mấy trái dâu bên đường, nhe răng cạp lớp vỏ xanh rồi nhăn mặt vì chua, thuận tay vứt xuống gốc cây. Thụy trừng, nó bẽn lẽn rụt người núp xuống trong gùi, chỉ để lộ ra đỉnh đầu và cặp mắt ‘ai oán’ nhìn Thụy.

Ông Năm Võng đang thắp nhang ngoài bàn thờ ông thiêng, nghe ông Cả Phu và Thụy cất tiếng thưa ngước lên trả lời “Đi núi hả bây? Thằng Thụy về hồi nào đó?”

“Dạ, con lên núi hồi tối.” Thụy nhanh nhảu trả lời, mắt liếc nhìn con Tề Thiên từ trên gùi phóng xuống, mở cửa điện thờ, chạy gấp gấp vào trong. Thụy biết tổng là nó đi tìm con Mai. Con Mai, bạn gái Tề Thiên, là con khỉ ‘gái’ ông Năm Võng nhặt được hồi 3 năm trước nuôi tới giờ.

Ông Năm Võng là con nuôi của ông sơ của Thụy. Tổ tiên của ông quê miệt Sa Đéc, nổi tiếng nghề y; thời giặc giã loạn lạc, đi theo nghĩa quân của Đức Cố Quảng chống Pháp, dọc đường hành y cứu người rồi neo đậu xứ núi này. Gia đình Năm Võng ba đời một dòng độc đinh, sớm mồ côi cha mẹ, ông lại có ơn cứu mạng với ông sơ của Thụy là ông Hương Cả Thung nên được nhận làm con nuôi. Thời trẻ ông lưu lạc học võ nghệ trên núi Tà Lơn bên Miên, sau đó về xứ, đi lính được mấy năm, bị thương rồi về lại quê nhà, định cư trên núi, cưới vợ sinh con. Cha già con muộn, tưởng đâu nuôi con lớn lên dựng vợ gả chồng là sắp hưởng phước tuổi già ai ngờ tai nạn sập xuống ngỡ ngàng cướp đi hết thảy. Ông Năm mông, cả cái Xóm Núi cũng mông rồi. Chuyện buồn đau của ông cũng là một truyền kỳ nhưng người Xóm Núi này ít ai nhắc tới. Từ hồi vợ con ông Năm mất, ổng sống một mình chăm lo hương khói ở chùa Phật Nhỏ. Ông Năm lớn tuổi rồi Ba và mấy chú Bác của Thụy muốn rước về nhà phụng dưỡng ổng chỉ thở dài “Số tao cô độc, không đặng sống gần người thân”...

Ông Năm Võng hào sảng, sốt sắn, thấy việc nghĩa không từ lại đặng võ đặng văn nên ba xóm bốn làng xung quanh đều nghe danh kính trọng. Ông giỏi võ lại có biệt tài bẫy thú bằng lưới săn thần sầu, chỉ cần một cán sóc, một cái lưới gai, ổng dám vào rừng một mình săn lợn rừng, đánh hổ nên đặng cái biệt danh ‘Năm Võng’. Đám thanh niên Xóm Núi, gái cũng như trai, từ thời ông Cả Phu tới thời của Thụy, 8 phần đều thọ giáo qua lớp võ của thầy Năm Võng. Kiểu đệ tử chân truyền như anh Ba của Thụy thì một đường săn mây ‘toàn xóm’ không địch thủ...

Mà dân xứ này nhiều người biết tiếng và kính trọng ông Năm, già trẻ gái trai đều tôn kính gọi ông một tiếng Thầy lại bởi vì một tay bốc thuốc cứu người của ông. Từ hồi trước giải phóng, điều kiện chữa bệnh còn lạc hậu, đường xá đi lại khó khăn, dân chúng vùng Tri Tôn, Tịnh Biên rất nhiều người tìm lên núi Cấm tìm Thầy Năm hốt thuốc Nam trị bệnh, cho tới giờ Tây Y phát triển vù vù, bệnh viện, trạm xá khang trang, đường lộ lớn liền một mạch tới thị xã Châu Đốc, cũng không hề thiếu người đến cầu y. Không biết tại Thầy Năm Võng mát tay hay nghề, hoặc có thể là vì cái lẽ ‘thuốc Nam trị người Nam’ mà thuốc bốc bệnh lành. Nhiều người tận miệt U Minh hay xứ Miên bị bệnh nan-y-bác-sĩ-chê, van vái tứ phương cầu may đến gặp thầy Năm lại khỏi hẳn.

***

Ba ông cháu ngồi ngoài ghế đá uống trà ngoài sân liên thiên chuyện người chuyện đời. Ông Năm ‘coi’ cái tay cho Thụy. Tối qua lên núi vận động mạnh lại bị thấm nước nên thạch cao bị nứt ra và hơi ngứa, về tới nhà rồi Thụy cũng ngại đi ra lại thị xã kiểm tra, thế là ông cháu ‘thống nhất’ nhau gỡ bột sớm: “Động xương cốt 100 ngày mới lành hẳn, nhưng tay bây bị nhẹ, bó thuốc 1 tuần là gỡ nẹp, cử động nhẹ như thường”.

Ông Năm Võng xoa nắn chỗ gãy bằng rượu thuốc, giã nát lá bìm bịp với muối hột rồi dùng vải mùn quấn quanh chỗ bị thương, lại lấy gốc cây mía đen dài bằng cườm tay chẻ làm bốn, loát qua bằng rượu thuốc rồi nẹp vào cố định chỗ xương gãy, cố định lại một lần nữa bằng vải mùn là hoàn công. Cả thảy chừng 10 phút, Thụy một bên nhìn chăm chăm động tác lanh lẹ, chuẩn xác, nhìn gút cột chắc chắn, xinh đẹp của cụ cố gần 100 tuổi một bên cảm khái không thôi “Ông Cố đúng là bảo đao chưa mòn ah”.

Ông Năm vừa làm lại vừa rề rà câu chuyện xưa “Bìm bịp là thứ tốt đa. Hồi xưa dân miền núi đi rừng, trèo đèo lội suối, bị thương tật, gãy tay trật chân chỉ biết nắn lại cho đúng vị trí rồi cố định chờ lành. Trong nhà có người bị gãy tay chân là mất một công lao động cả 2, 3 tháng trời, bị nặng thời mất sức là nhẹ có khi mất mạng luôn chứ chả chơi. Chỗ bị thương đã lâu lành, khi lành lại yếu ớt, không được như trước. Có ông thầy lang vùng nọ cứu con chim bìm bịp non bị đám trẻ con trong xóm bắt chơi, thấy con chim bị gãy chân, ổng mới nắn lại rồi bỏ vào ổ. Chiều đó, con chim bìm bịp mẹ về tổ thấy con bị thương mới cắn lá cây đắp cho chim non. Mới có mấy ngày chim con chân lành, ra tổ chạy nhảy như thường. Thấy tác dụng thần kỳ của cái lá cây nọ, ông thầy lang mới thử dùng trị cho người, từ đó người ta mới dùng luôn cái tên ‘bìm bịp’ gọi cho cái cây kia. Ngoại trừ bó gãy xương trật tay, bìm bịp còn trị khớp, trị loét bao tử thần sầu đa. Nhưng mà không có rượu thuốc của ông thì công hiệu chậm mất 3 phần.” Nói dứt, cột cái nút cuối cùng rồi xoa xoa đầu Thụy “Mới bó hơi đau a, hai ngày một lần bây tới đây ông thay thuốc, ba bốn lần là bỏ nẹp được”.

Thụy cười ‘bẽn lẽn’, hắn 30 tuổi mà ông Nội với ông Cố cứ xoa đầu, xoa đầu, nhéo tai, nhéo tai cứ như còn 3 tuổi a. Nhưng dù sao, thích! ^^

Thú thật, ban đầu Thụy cũng không mấy tin về tiến-độ-lành-siêu-tốc như vậy a, hắc mặc kệ nghĩ “dù sao nứt xương nhẹ thì nẹp tay cố định cũng tự lành”. Bó thuốc xong cảm thấy man mát do rượu bay hơi, sau đó là cảm giác hơi nóng và nhột nhạt như kiến bò khiến trong xương Thụy bất ngờ về tác dụng nhanh chóng của thuốc. Sau mấy ngày thì Thụy phục rồi, tới lần thay thuốc thứ hai lần thì cảm giác ê ẩm của vết thương dứt hẳn, mấy ngón tay đã cử động linh hoạt. Nhưng đó là chuyện kể sau.

Còn bây giờ, Thụy rót chén trà ngồi một bên nghe ông Cả Phu và ông Năm Võng nói liên thiên chuyện thời tiết mùa màng và xem ...diễn hài. Con Tề Thiên đưa cho con Mai chùm dâu chua nó hái khi nãy chưa kịp vứt và chí chóe nói gì đó chỉ có hai đứa hiểu. 

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

13. Câu chuyện trên đường đi (3)



Ông Cả lấy điếu thuốc rê vắt trên vành tai, mồi lửa, rồi chậm rãi giảng giải: “Ông Bạch Hổ được thờ là Hộ Thần của Thiên Cấm Sơn. Bạch Hổ chủ sát tọa trấn hướng Tây, đứng thế đất cao, ngăn chặn thuồng luồng phương Bắc. Ông bà xưa truyền lại rằng mỗi một đời người thì có một đời ông Bạch Hổ giữ núi. Cứ cách khoảng một giáp (60 năm), vào 'năm Thìn bão lụt', nước lớn, mưa nhiều, thuồng luồng phương Bắc ăn theo mạch nước ngầm phương Nam trốn ra biển Đông để hóa rồng; tới Thất Sơn thời bị ông Bạch Hổ và hai ông phó thần Hắc Hổ chặn đánh. Ông Bạch Hổ làm tròn nhiệm vụ rồi tạo hóa. Hai ông Hắc Hổ một đực một cái sẽ sinh ra Bạch Hổ con. Đến khi Bạch Hổ mở mắt thì hai ổng bái thiên rồi quy ẩn núi rừng. Hai ông Hắc Hổ mới sẽ từ sơn lâm đến tìm và đi theo ông Bạch Hổ làm người thủ hộ sơn lâm suốt một giáp tiếp theo. Hễ mỗi lần ông Bạch Hổ mới xuất thế thì người có duyên sẽ thấy mấy ổng ‘bái thiên’ trên đỉnh vồ Thiên Tuế.” 

(Tuổi thọ trung bình của loài hổ trong tự nhiên là khoảng 10-20 năm)

“Không phải ông Bạch Hổ là thần sao nội? Sao ổng lại chết đi? Mà có ai chính mắt thấy ổng chưa nội? Có khi nào ổng thất bại...?” Những nghi vấn và hoang mang trong lòng Thụy sau khi nghe chuyện lại càng dâng lên như sóng cồn, Thụy buột miệng thành một mớ câu hỏi cho ông Cả.

Ông Cả nhìn Thụy, ngạc nhiên không thôi về thái độ kỳ lạ bữa nay của thằng cháu, “Nội không biết..., chuyện xưa ông bà kể lại, không biết mấy người tận mắt thấy, ông cố Năm bây có khi biết...”

Ông lại thở dài, trầm ngâm, sắp xếp lại trong đầu những suy nghĩ và lý giải của mình rồi chậm rãi ‘dạy dỗ’ thằng cháu: “Dân mình trước giờ dựa vào sơn lâm mà sống. Từ hồi ông cha xưa theo lời dạy Phật Thầy khai hoang, dẫn nước thời núi rừng che gió chắn mưa, hồi theo Đức Cố đánh giặc, giữ nhà thời núi rừng là nơi trú ẩn, cho tới bây giờ đồng ruộng bạt ngàn, một năm lúa làm 3 vụ, dân cư đông đúc, làng mạc quây quần cuộc sống cũng không tách khỏi núi rừng. Chỗ chở che, dựa dẫm, chỗ cội nguồn mình sinh ra lớn lên lại là chỗ mình quy túc lúc về già, nên kính nên yêu, rồi thành linh thiêng. Ông Bạch Hổ thủ hộ cái chỗ dựa linh thiêng đó nên trong lòng người ổng là thần. Ông Hộ Thần Bạch Hổ chẳng phải là một ông Bạch Hổ cụ thể nào, mà là cái tượng đài dân mình tín ngưỡng và truyền thừa qua nhiều thế hệ, diệt rồi lại sinh, đời này qua đời khác, hễ sơn lâm còn thời ổng còn, mà lòng mình tin thời ổng có. Đó là lẽ tồn tại của ông Bạch Hổ.”

“Lại nói, thứ gì tồn tại trên đời cũng có lẽ riêng của nó, con thuồng luồng tu ở đáy sông cai quản thủy vực, con người xâm phạm chặn nước ngăn đập tước đoạt điều kiện sống thời nó phản kháng cũng là lẽ bình thường. Ông Bạch Hổ tu trên núi, thủ hộ sơn lâm lại là lẽ tồn tại riêng của ổng, dẫu tiền thế ổng tạo hóa thì lại có hậu nhân. Có thắng thời có thua, thắng thời mưa thuận gió hòa, thua thời bão giông lụt lội, dân mình dẫu có chịu mất mát tang thương thì một phần cũng là cái quả phải trả. Nhân quả tuần hoàn, gieo nhân thời gặt quả. Trồng cây thời được rừng, khai hoang thời được ruộng. Như hồi xưa ông bà mình làm lúa mùa, mỗi năm một vụ, mùa nước lên tràn đồng cây lúa ngoi nước mà sống. 6 tháng làm, 6 tháng cho đất nghỉ, nhờ nước lũ rửa phèn, nhờ nước lụt bồi đắp phù sa. Thu hoạch không được bao nhiêu, mà chắt chiu vun vén cho đất. Đói lòng thì lên rừng hái trái, xuống sông bắt cá, cũng sống được qua ngày. Giờ năm làm 3 vụ lúa thần nông, đất không biết nghỉ, xài phân xài thuốc mà sâu bọ ngày càng nhiều, đất ngày càng bạc. Gạo trắng lại không thơm, gạo dẻo mà chẳng bùi, gạo nhiều mà không quý. Không vén không vun thì đời con đời cháu tụi bây còn lại được gì?!”

Ông Cả thở dài, Thụy cũng thở dài, nghĩ thầm ‘Nội lại bắt đầu cảm khái, thở than a’. Hắn cũng lờ mờ hiểu những gì ông nội cảm khái, nhưng biết sao được, mỗi thời mỗi khác, gieo nhân thì gần, mà gặt quả lại quá xa, thời này cuộc sống thay đổi từng phút từng giờ, ai kịp ngồi đắn đo cái nhân đời này, cái quả đời sau. Quan trọng hơn là Thụy giờ đang miên man với hình ảnh ông Bạch Hổ, về truyền thuyết, về lý giải của ông nội... Lần đầu tiên, từ tối qua đến giờ, trong đầu Thụy bắt đầu lắp ghép những giả thuyết và sự kiện, hắn mơ hồ ‘biết’ chuyện gì sắp xảy ra. Thụy lại nhìn cánh tay bó bột, thở dài..., hy vọng mọi chuyện không quá trễ.

Ngoài đề:

1.      Một bài viết rối rắm, mâu thuẫn và (có lẽ) hơi khó hiểu về niềm tin, nhưng mà đó là những gì Coa đang nghĩ/nhận thức a, hy vọng sau này có cơ hội sẽ chỉnh sửa lại bài này.


2.      Hội Long Hoa, Phật Thầy Tây An, Đạo Bửu Hương Kỳ Sơn, Năm Thìn bão lụt... và một số sự kiện, nhân vật (lịch sử) khác (sau này) được đề cập theo suy nghĩ/lý giải riêng của Coa, về thực hư/đúng sai xin vui lòng tha thứ.

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

12. Câu chuyện trên đường đi (2)



Thụy im lặng lắng nghe, hai ông cháu vừa nói vừa chậm chậm bước đi, ông Cả thỉnh thoảng dùng rựa quéo chặt mấy nhánh cây đan mắc hai bên đường. 

Ngừng một lúc, ông lại bồi hồi, “Từ hồi xa xưa tới giờ, ông bà mình đều nói ông hổ trên núi Cấm là hổ tu, không ăn thịt người, nhưng mà cũng không ai dám đi chọc mấy ổng. Dù thân cũng phải kính. Mấy ổng sống phần mấy ổng, mình sống phần mình, đều dựa vào núi rừng, biết tương kính thì mới bền. Cái gì cũng vậy, hễ quá tay thì khoai nát. Như ông cố Tư của con đi săn bên núi Bà Đội Ôm bị cọp vồ. Cha con ông cố Năm, ông cả Bác với mấy người trong xóm vác sóc, vác lưới gai lên núi giết cọp trừ họa. Lần đó giết chết 3 con cọp, hai con cọp đực, một con cọp cái đang có bầu. Tưởng đâu yên ổn, ai dè mấy năm sau, một bữa mưa dông lớn, thừa cơ ông Năm xuống núi chữa bệnh, một con cọp thọt núi Bà Đội Ôm lẻn lên Núi Cấm, phục kích trong rẫy nhà ông Năm, cắn chết bà Năm và đứa con gái. Đêm đó nó lại vào nhà ông Năm cắn đứt cổ ông Cả Bác. Ông Năm về núi thấy vợ và hai đứa con chết hết thì giống như điên rồi, bất chấp ngăn cản, một mình ổng cầm săn mây xông lên núi truy tìm con cọp. Đợt đó, ổng sống trong rừng núi Bà Đội Ôm hơn tháng trời, một mình giết chết 3 con cọp, đánh gãy luôn cây săn mây bằng mây máu rồng bảo bối gia truyền, nhưng không giết được hung thủ sát hại vợ con. Xuống núi, ổng qua tận bên Tà Lơn thỉnh sư huynh giúp đỡ. Hai huynh đệ lại lặn lội lên núi Bà Đội Ôm mấy tháng trời, cuối cùng giết được kẻ thù nhưng mà ông Năm bị cắn mất một chân. Từ đó về sau, ổng thề bỏ sát sinh, tu luôn trên núi Cấm, chưa bao giờ xuống núi”. Nói xong ông lại thở dài thườn thượt, lầm lũi bước đi.

Thấy ông Cả dừng câu chuyện, Thụy ngắc ngứ tiếp lời: “Con biết, mấy chuyện đó hồi trước đây nội kể, ý con là... Ông Bạch Hổ, trước giờ có ai gặp ổng không nội?”

“Sao con hỏi chuyện này...?” Ông Cả sửng sốt muốn lập lại câu hỏi ‘con lên núi gặp được cái gì?’. Nhưng ông nhìn vẻ hoang mang của thằng cháu lại từ tốn, đằng hắn che dấu nét bối rối trong lời nói, lại ra vẻ từ tốn ‘kể chuyện xưa’, “Hồi cuối năm Quý Mẹo (1903), ông sơ của con lúc đó còn làm ở phủ nha, nghe mấy người già trong xóm nằm chiêm bao thấy ông Bạch Hổ đánh nhau với con thuồng luồng phương Bắc, rồi tạo hóa ở biển đông, trời đất thành tối tăm, mưa máu đổ tràn đồng, núi non kinh động... nghĩ rằng có điềm, mới đem chuyện giấc mơ kể lại cho quan Đô lại. Quan nghe cũng kinh sợ nhưng lại tỵ hiềm nên không dám bẩm báo lên trên chỉ âm thầm đôn đốc trong tỉnh nạo vét kênh mương, tu bổ đê điều, lại thăm dò các chỗ trũng yếu đề phòng đất lở đá trôi. Qua đầu xuân Giáp Thìn (1904), từ mười ba tháng ba (âm lịch) trời đổ mưa lớn, giờ ngọ mặt trời bị ăn mất. Mấy ngày liền mưa không dứt, giông gió dữ dội, đường xá, đồng ruộng ngập lụt hết trọi, hoa màu, heo gà chết nổi lềnh khênh. Nghe nói miệt Gia Định, Gò Công đất đai rung chuyển, sóng lớn cao 3 thước đánh sâu vào đất liền, dân chết không biết bao nhiêu mà kể, ‘chôn rồi lại lấy lời khai – tính trong sổ bộ muôn hai rõ ràng’ .” 

Ông Cả kéo khăn chàng tắm chậm chậm khóe mắt kèm nhèm, rì rầm tiếp tục câu chuyện.

“Trận đó lụt lớn lắm, mưa miết tới hăm ba mới ngớt, mà mưa hết thì lụt lên, rồi bệnh dịch. Dân xứ mình trước giờ không biết bão lụt, trời giáng xuống cái bất ngờ ai cũng trở tay không kịp, lũ lượt kéo nhau lên núi tránh nạn. Mấy bữa đó bầu trời Thất Sơn ngày cũng như đêm một màu hồng nhợt nhợt, dù giữa khuya, người lên núi cũng núi cũng mờ mờ nhận ra bóng nhau, người trước tiếp người sau nhờ vậy mà không bị lạc. Buổi chiều ngày dứt mưa, có cái mống lớn, sáng rực, mọc từ Bắc sang Đông. Từ trên đỉnh vồ Thiên Tuế có bóng dáng 2 ông Hắc Hổ cùng ông Bạch Hổ vọng thiên gầm rú, điều lạ là ông Bạch Hổ nhìn còn nhỏ, giống như chưa trưởng thành. Dân chúng khắp nơi quỳ xuống, hướng Vồ Thiên Tuế vái lạy... Mấy ngày tiếp sau đó, các đạo sĩ tu trên núi rời động tiếp trợ dân chúng, cho thuốc chữa bệnh cứu người. Họ bảo được Đức Thầy báo mộng, cho phương thuốc cứu trị dịch bệnh, lại giảng Pháp Mạt Ngươn, Hội Long Hoa, lại kể truyền thuyết ông Bạch Hổ.”

“Kể sao nội?” Thụy sốt sắng, thái độ không giống như những lần trước đây. Những truyền kỳ về Thất Sơn từ trước đến giờ thường nằm tản mạn trong các câu chuyện người già hay kể. Đám trẻ Xóm Núi được học tập, được ra bươn chải ngoài đời “học khôn” như Thụy vẫn “tin” vào những câu chuyện như vậy nhưng với cái nhìn hơi tò mò, nghi ngờ; thường xem như đó như là những những bài học về đạo đức, tôn giáo. Kiểu như cái nhìn của nhà khảo cứu, có thể họ tin vào sự kiện và nhân vật nhưng không tin lắm diễn biến câu chuyện và quá trình, muốn tìm tòi bằng chứng. Có khác đi chăng là niềm tin của Thụy và người Xóm Núi có một “tín ngưỡng” chống đỡ nên không dễ dàng sụp đổ hay suy suyển qua năm tháng. Không thiếu người tự hỏi, hoặc tìm tòi nhưng không ai chủ động đi chứng thực đến cùng chân tướng. Niềm tin đó tự nó mang trong mình tình yêu và sự kính trọng mà những huyền nghi không thể nào lay chuyển nổi. Giờ đây, mắt thấy một sự tồn tại có thể chứng thực được câu chuyện, Thụy lại muốn chính tai mình nghe lại những truyền thuyết để kiểm chứng lại sự kiện (sự thật?) tối hôm qua.



(rựa quéo: đao ngắn, dày và nặng, dài khoảng nửa thước, lưỡi cong sắc bén nghéo (quéo) vào bên trong, dùng để chặt, chém, bổ, lại dùng để giật, hái như lưỡi hái)

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

11. Câu chuyện trên đường đi (1)



Thụy nắm con Tề Thiên, muốn đặt nó lên vai của mình nhưng nó cố sống cố chết đứng trong gùi ôm ông Cả Phu không buông. Thụy trong lòng thầm mắng “Con tinh quái này nó khi mình là thương binh a”.

Hắn lẽo đẽo theo đi theo ông nội. Trong lòng hết sức phân vân, dò dẫm mở lời với ông Cả, “Hôm qua mưa dữ quá hé nội!”

Ông Cả Phu trầm ngâm “Năm nào khoảng tháng này cũng có dông lớn, ác liệt như hôm qua thì trước giờ ít thấy” rồi thở dài “Có điềm động rừng, sắp tới coi bộ có chuyện xảy ra đa”

Thụy hơi giật mình. Hắn hoang mang về câu chuyện mình gặp gỡ tối qua. Người đi núi không thiếu gặp mãng xà thú dữ, những câu chuyện kể ba phần huyền hoặc về mãng xà, ông hổ, những bí ẩn hang ông Lang Bác Vật, những truyền thuyết về huyễn linh, về bùa ngãi, về Thiên Thư, Thần Quyền... được truyền tai nhau khắp xứ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người già ở Xóm Núi thích kể chuyện xưa, đám trẻ con lại không thiếu tò mò về những huyền bí, ly kỳ của xứ sở. Những câu chuyện từ hồi khai hoang mở cõi, thưở Phật Thầy cứu dân truyền đạo, hồi theo Đức Quản Cơ chống Pháp... Bắt đầu là những câu chuyện kể; rồi tiếp thời gian, nối thế hệ được nuôi dưỡng bằng niềm tin của lòng thành kính, sự tri ân và những câu chuyện hóa thân thành truyền thuyết, dựng lên trong lòng người Xóm Núi những thành lũy và tượng đài cao lớn, xa xưa và linh thiêng. Họ biết dù họ không sờ, không chạm vào được, nhưng nó vẫn tồn tại ngay-tại-đó.

Hắn vê vê vạt áo, ngước lên ông Cả Phu, “Tối qua, nội có nghe tiếng gì không...?”

Thụy không chắc về độ chân thật của những câu chuyện truyền thuyết. Có lẽ đó là cách những người lớn dạy đám con nít về sự thiện lương, biết kính trọng và nhớ ơn, dũng cảm và mưu trí, biết tò mò và biết hồ nghi, nhìn lớn lao vĩ đại mà thấy nhỏ bé khiêm cung, biết sơn lâm uy nghiêm mà gần gũi... Sự huyễn hoặc và hồ nghi của truyền thuyết giống như là một dung môi kỳ diệu, làm cho những bài học về đạo lý khô khan trở thành mềm mại, nhẹ nhàng thấm vào lòng người như một dòng nước mát. Khi gạt bỏ sự huyễn hoặc đi rồi thì truyền thuyết lại trở thành câu chuyện, những câu chuyện kỳ bí, những câu về sơn lâm và những con người của núi rừng xứ này. Và Thụy tin những câu chuyện kỳ bí như vậy. Nhưng giờ đây, hắn vẫn chưa biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào nên lại mò mẫm đường đi.

Ông Cả Phu chợt đứng lại quay đầu nhìn cháu, sau đó như cố ý phớt lờ, lừng chừng dò hỏi “Con lên núi gặp cái gì?”

Với Thụy, niềm tin là thứ lạ kỳ. Niềm tin không hẳn là sự thật hay bằng chứng, nó không phải là có hoặc không, là đúng hay sai, mà niềm tin bắt nguồn từ lý lẽ trong lòng mỗi con người. Người ta dùng khoa học đi tìm tòi những chân lý, chứng minh những sự thật, nhưng trong lòng họ, khoa học tự bản thân mình chưa bao giờ là cơ sở tuyệt đối của niềm tin. Như Thụy hay dùng ‘điển cố - con ma và thằng ngốc’ đùa với mấy đứa bạn ‘Nhân dân bảo có, nhà nước bảo không, các nhà khoa học chưa xác định và tao tin’. Chuyện Thụy tin ai? Dân, đảng hay nhà khoa học hay tin con ma thì còn là một ‘điều huyễn hoặc cần nghiên cứu’ :D

Thụy bối rối, lại hỏi ông Cả “Trước giờ nội chạm mặt... ông ba mươi lần nào chưa nội?”

Trong lòng mỗi con người, khi nghe thấy hay nhìn thất một câu chuyện, đều có những giả thuyết riêng, lý trí của họ có những suy diễn riêng và quan trọng hơn cả là trái tim của họ có những lý lẽ cùng với những khao khát, mong chờ. Như Thụy, trước giờ vẫn tin vào sự tồn tại của sự bảo hộ của Bạch Hổ, nhưng khi nhìn tận tay day tận mặt hắn lại không muốn tin, hoặc không dám tin vào chính con mắt của mình; cũng có thể là tự sâu thẳm trong lòng, Thụy hy vọng một điều gì đó không xảy ra. Cái kết cục mà Thụy nhìn thấy hoàn toàn không phải là điều hắn mong muốn. Hắn cần một lời phủ nhận từ các bậc tiền bối, nhưng hắn lại e sợ rằng đó lại là một lời xác định. Cho nên Thụy cứ mâu thuẫn và hoang mang.

Ông Cả ngó ngó thằng cháu, trong mắt hiện nét hồ nghi, nhưng vẫn chậm rãi như kể chuyện, như hồi tưởng xa xưa “Xứ mình trước đây cọp nhiều lắm đa. Thời ông cố người đi rừng phải vác sóc. Hồi nội 14-15 tuổi không biết nên không sợ, dắt con chó lần theo dấu chân trên ổng in trên cứt trùng. Đến gần Vồ Đá Dựng, thì con chó không đi nữa, nó lẩn quẩn bên chưn, kêu nó tránh nó không nghe, đánh thì nó bỏ chạy rồi đứng lại tru lên có vẻ sợ sệt. Nội tức giận bỏ nó lại, một mình đi tiếp. Tới gần vách đá nhìn xuống dưới miệng hang thời thấy ổng đứng đó. Ổng từ dưới miệng hang, phốc một cú nhảy lên trên triền dốc cao chục mét. Lúc đó nội sợ run, chưng chạy không nổi giống như bị trúng tà. Ổng đứng cách nội có 5-6m nhưng chỉ nhìn nhìn nội rồi bỏ đi. Một hồi sau nội mới hồi thần, chạy về nhà. Con chó nghe mùi ổng trên người nội nằm rúm ró không dám lại gần...” 

(sóc: giống giáo lại giống côn, to bằng cườm tay, dài khoảng 2-3m, làm bằng gỗ tốt, rất cứng rắn, một đầu vót nhọn, chủ yếu dùng để đối phó với các cú vồ của hổ, báo. Khi đi rừng người ta vác xiên trên vai để phòng thú dữ vồ từ phía sau, gặp hổ, người đi rừng ngồi xổm xuống, giữ mình trực diện với con hổ, ôm sóc xiên khoảng 60 độ, hổ sẽ không dám vồ, người đi rừng cứ thế ‘phòng thủ’ chờ hổ bỏ đi, hoặc đồng bạn đến giúp đỡ)

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

10. Tề Thiên soi gương



Mấy năm trước, ông Sáu Trực đi rẫy, thấy con khỉ con đỏ hỏn bị trăn quấn, cứu về chỉ còn thoi thóp một hơi. Ông Cả Phu thấy tội nghiệp bồng qua chỗ ông Năm Võng cầu y. Mất sức chín trâu hai hổ mới cứu sống nó khỏi tay Diêm gia gia. Nuôi hơn tháng nảy da nở thịt, lông tóc tốt tươi thì ông Cả Phu mới nhìn ra nó không phải là giống khỉ vàng hay khỉ đuôi dài núi Cấm mà là giống chà vá, chà vá chân đen...

Xứ này không có chà vá. Quê hương Tề Thiên nghe nói tuốt ở đâu trên rừng già cao nguyên Lâm Viên, chỗ giáp ranh biên giới Campuchia, không biết hà cớ gì nó lưu lạc đến nơi này. Giống chà vá bề ngoài hết sức đỏm dáng. Tề Thiên lúc sáu tháng tuổi đã lộ rõ sự ‘sặc sỡ’ hơn người: đuôi trắng, mình xám, vai và tay chân lông đen, có vết lông trắng ở mông, một vành lông màu đen trên trán, râu quai nón dài màu trắng, cổ thì màu đỏ hung; lại mặt suit, lại khoác măng tô, lại đeo khoăn choàng cổ, không gọi ‘đỏm dáng’ thì còn gọi là gì?!

Cả xóm đều công nhận Tề Thiên ‘đẹp trai’ (đẹp khỉ) nhất núi. Nhưng lần đầu tiên thấy mình trong kiếng tủ búp phê nhà bà Tư Hẹ, Tề Thiên phùng mang trợn má nổi điên a. Từ trước tới giờ, tiêu chuẩn thẩm mỹ của nó luẩn quẩn loanh quanh với hai giống loài khỉ vàng và khỉ đuôi dài, nên khi nhìn thấy con khỉ có bộ dạng ‘kỳ cục’ trợn mắt kiếm chuyện với nó trong gương, Tề Thiên liền nhặt đá chọi a chọi a chọi...

Phải biết rằng, tuy ông sáu Trực cứu Tề Thiên khỏi miệng rắn, nhưng mỗi lần nó quậy phá gây họa, người ‘cứu giá’ đều là ông Cả Phu nên ở trong nhà nó thân ông Cả Phu hơn cả. Tề Thiên ma lanh thôi rồi, nó biết ở trong nhà ai quyền uy nhất, nếu tính chuyện ‘nịnh bợ’ cũng lựa chọn đối tượng 1 phát trúng phốc. Lại nói, ông thương cháu, nếu coi Tề Thiên là thế hệ F4 trong nhà (như Thủy điệu và Thảo đen) thì nó thuộc đối tượng được cưng chiều số 1.

Vì vậy, kể từ khi ông Cả từ tốn dạy bảo nó nhận thức cái con khỉ đỏm dáng trong gương là chính mình thì nó bắt đầu yêu thích coi kiếng (soi gương). Trong nhà, ngoài Thủy điệu ra, thì Tề Thiên là người (khỉ) soi gương nhiều nhất. Sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều, hễ đụng dịp thì nó soi gương. Sáng sớm soi gương; Thủy điệu hay Thảo đen tắm xong đứng trước gương chải đầu, nó lại đu lên người soi gương ké; đi chơi ở đâu về là chui tọt vào nhà trên nghiêng ngó mình trong gương... Có mấy lần nó soi gương ban đêm bị ông Cả nạt không cho. Người lớn tuổi bảo soi gương ban đêm sẽ gọi ma vào nhà.

Lần nọ tết về thăm nhà, Thụy hết hồn khi thấy con Tề Thiên đứng trước gương nhe hàm răng trắng bóng nghiêng cứu tìm tòi gì đó. Thụy ngờ rằng nó xem kẽ răng có dính cọng rau muống/hay cọng hành gì đó hay không dù hắn chắc chắn rằng buổi chiều nhà mình không có ăn rau muống và chả ai cho con khỉ ăn hành là bao giờ.

Từ đó, hễ mỗi lần thấy Tề Thiên đứng trước gương là Thụy lại len lén dòm coi (nhìn xem) nó làm gì và đúc kết ra mấy điều thú vị. Một là con Tề Thiên không hài lòng với cặp mắt hơi xếch, nó hay kéo xệ đuôi mắt xuống hay dùng 2 ngón tay banh mí mắt cho con mắt trợn to ra như chiêu Thảo đen hay dùng để nhát ma Thủy điệu. Thứ nhì là nó cực kỳ thích cái đuôi của mình, 10 lần soi gương thì có 9 lần nó chải chuốt cái đuôi. Ai nói khỉ không có nhu cầu làm đẹp là sai lầm à nghen. Mà kinh khủng hơn cả là Thụy hiện ra con Tề Thiên bắt chước động của con người. Nó đứng thẳng ểnh ngực, chỉ tay vào thằng khỉ trong gương khẹt khẹt bộ dáng giống y như ông nội đang mắng mấy đứa nhóc quậy phá trong xóm. Nó đội cái thau nhựa rồi bước đi tha thướt như mấy bà cô đội cà om lấy nước. Nó lại bắt chước anh Ba đánh săn mây, cầm roi vun vút múa, lần nọ còn mém đánh trúng bà Sáu Trực, roi bị tịch thu chụm lửa rồi.

Ông nội cười khà khà phán ghẹo “Con này có tính người, hiểu được học tập, bán cho đoàn xiếc được nhiều tiền đa” Cả nhà nhà cười nghiêng, Tề Thiên tẽn tò không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chạy vội tới ôm chân ông Cả Phu, nhảy tới nhảy lui.

Tề Thiên cũng hiểu được tôn ti, biết ‘kính lão khi ấu’, lại biết thân sơ. Tỷ như chuyện đi đường, nó có thể nói hết sức tự nhiên ngồi trên vai của anh Ba, anh rể, Thụy hay 2 đứa nhóc trong nhà đi khắp núi khắp non, đầu làng cuối xóm. Nhưng khi đi núi với ông Cả Phu thì nó ngoan ngoãn ngồi hoặc đứng trong gùi. Nó sẽ lẽo đẽo cách một khoảng theo sau ông bà Sáu Trực đi rẫy, nhưng lại nắm tay nịnh nọt cùng đi với chị Hai, chị Ba đi lấy nước trên Hồ Tiên.

Cứ như vậy, không biết tự lúc nào, Tề Thiên giống như một thành viên chính thức của gia đình Sáu Trực. Người trong xóm hay đùa gọi nó là cháu nội ông Cả làm anh Ba tức trợn trắng mắt “Nó mà là con tui tui đánh ngày 8 giác”. Ông Cả lại cười hề hề lắt léo “Mày đánh cháu tao, tao đánh đít cha mày a”. Ông Sáu Trực bắt đắc dĩ nhìn ông già mình rồi trừng mắt thằng con. Anh Ba ngậm miệng. Thế!

9. Khỉ Xóm Núi



Hai ông cháu Thụy vác gùi, vác gùi, cầm săn mây, cầm săn mây, khép cửa nhà chuẩn bị hướng chùa Phật Nhỏ mà đi. Con Đen kêu ăng ẳng dùng móng vuốt cào a cào, cố sức chui qua khe hẹp dưới cửa đòi theo. Con Tề Thiên mới đi hoang ở đâu về, khẹc khẹc chào hỏi với Thụy rồi nhảy thót vào ngồi gọn trong cái gùi trên lưng ông Cả Phu.

Nhắc tới Tề Thiên thì không thiếu chuyện để kể. Quê Thụy, trong nhà có nuôi khỉ không hiếm. Giống khỉ vàng hoặc khỉ đuôi dài núi Cấm nhỏ con, nhanh nhẹn, tinh ranh, biết giữ nhà, đuổi chim, sóc trộm trái cây, được người dân yêu thích không thua gì loài chó.

Người Xóm Núi không săn bắt khỉ. Có nuôi khỉ (hoặc có khỉ) trong nhà với người dân ở đây coi như là một mối lương duyên.

Khỉ núi Cấm hoang dã, thông minh nhưng nghịch ngợm, tò mò đôi khi mắc bẫy thú rừng hay bị các loài động vật khác tấn công. Đám nhỏ Xóm Núi suốt ngày hoang dã trong rừng, ngoài suối, không hiếm gặp những trường hợp ‘giải cứu thú rừng’. Đặc biệt, những câu chuyện liên quan đến cứu giúp cho các vị ‘Tề Thiên Đại Thánh’ lâm nạn luôn được kể lại một cách đầy hào hứng và được quan tâm ở mức độ đặc biệt.

Thì ôi thôi, đủ mọi màu sắc, đủ mọi nguồn cơn với những ông chúa nghịch dại này. Khỉ vướng bẫy thú rừng. Thường! Khỉ đu dây rừng mục rớt xuống giữa hồ Thủy Liêm. Ngu chưa?! Rồi khỉ trộm mồi chim bị kẹt tay trong bẫy, Ngộ! Chưa đâu, khỉ còn trộm cá bị câu cặm dính môi, khỉ mắc lưới dơi, bị kẹt tay trong lợp cá, bị bầy chó rượt, bị mèo rừng đuổi,...

Mà kể cũng lạ, nhiều lúc Thụy nghĩ thầm chắc cái đám khỉ kia sống ở đây, uống nước xứ này nên nhiễm luôn cái tính tự nhiên, phóng khoáng của người Bảy Núi, có khi trở thành tùy tiện. Chứ ai đời đi trộm cá người ta, bị kẹt tay trong lợp, nhìn thấy chủ lợp lại đi ‘tố khổ’. Chủ lợp muốn giúp nhưng mà tay chú (khỉ) cứ nắm chặt con cá thì làm sao rút ra? Làm sao a? Chủ lợp phải tháo bung nắp lợp, cho chú ấy dùng tay kia giữ cá, lúc này cái tay bị kẹt mới chịu buông lỏng để rút ra khỏi bẫy. Đúng là ngu ngốc hại mình hại người. Mà đã hết đâu, thoát bẫy, chú ấy lại giả nai, hai tay cầm cá ‘dâng’ trả lại cho chủ lợp, ánh mắt thì cứ gọi là long lanh thơ ngây vô tội như ‘nói’ rằng [ông mà lấy lại là tui khóc, tui khóc thiệt á nghen]. Dĩ nhiên con khỉ không biết khóc (hoặc không khóc hu hu theo kiểu con người tưởng); và dĩ nhiên cũng không một người Xóm Núi nào nỡ lòng lấy lại con cá mà người ta (khỉ ta) đã ‘vất vả’ trộm được kia. Thế, nói khỉ ngốc thì không chắc, nhưng bảo khỉ núi Cấm ma lanh thì hẳn rồi!

Giống khỉ xứ này, chỉ ăn lá và trái cây, họa hoằn lắm mới đi trộm cá, bắt dơi ‘đổi bữa ăn tươi’ và sa cơ lâm nạn, thế mới nói gặp được là ‘duyên’. Mà khỉ khôn nên nhận người quen, duyên sinh, duyên hành rồi thành ‘bằng hữu’. Cứu khỉ một lần khỉ trả ơn bằng trái cây, mộc nhĩ; cho khỉ đồ ăn riết khỉ quen thì khi gặp mặt khỉ chào (và xòe tay xin ăn); ai lại chịu khó dày công tiếp xúc và đạt được tín nhiệm thì có khi chúng theo về nhà. Có con sống trong nhà cả đời, có con ở vài năm rồi lại quay về rừng núi, người chủ cũng không giữ, coi như hết duyên thì khỉ ra đi, vậy thôi. Nhưng tận mấy năm sau, vô tình trong rừng sâu gặp được khỉ vẫn nhận ra chủ cũ, khỉ lại kéo bầu đoàn thê tử ra chào. Người Xóm núi cứ gọi là rưng rưng cảm xúc, thấy y hệt như mình có đứa con trai/con gái đi ‘mần ăn’ xa, nay dắt vợ, chồng, con cái về thăm...

Quay lại câu chuyện của Tề Thiên. Gọi là Tề Thiên một là vì người xứ Thụy cứ gọi vậy. Hễ nuôi khỉ thì một gọi là Mai, ai không thích tên đó thì gọi là Tề Thiên, dẫu sao không phải nhà nào cũng có nuôi khỉ và đám khỉ nuôi trong nhà cũng ít khi ‘chơi chung’ với nhau nên cũng hiếm khi bị gọi trùng. Để khỏi nhầm lẫn thì gọi kèm luôn cái tên của chủ, kiểu như “Con Tề Thiên nhà ông Sáu Trực ăn trộm vú sữa nhà mình cho chó ăn”, “Con Tề Thiên nhà ông Sáu Trực ăn trộm trứng bị gà mổ”, “Anh Cả ơi, ‘cháu nội anh’ bị chó dzí ngoài cây da dưới chùa Phật Nhỏ”, “Mèn đét ơi, chị Sáu qua coi, thằng Tề Thiên nhà chị dập bể kiếng của tui nè”...

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

8. Ông nội “coi” chó – Tuyệt chiêu của mẹ



Vừa xỏ đôi dép lào vào, bước qua thưa nội thì từ ngoài cửa ba viên lông xù xông vào chồm lên chân Thụy ‘ăng ẳng’ kêu. 

“Đám này não ngắn thật, mới đó mà đã quên ‘nỗi kinh hoàng’ đêm qua, nhìn bộ dáng ‘sinh long hoạt hổ’ này, ai có thể nghĩ tới cái đám ‘thỏ đế’ rúm ró đêm qua a”, hắn khinh-ah-bỉ, khinh bỉ trong đầu, ngoài miệng hớn hở khoe khoang với ông nội:

“Nội, 3 con chó mun săn được không nội, con mua  ngoài chợ Tịnh Biên”

Ông Cả Phu xoa xoa đầu thằng cháu, chặc chặc lưỡi gọi đùa ba con chó,

“Được, được... chưng đeo dzớ, là chó nòi ah”

Người dân quê bảo những con chó bốn chân trắng giống như đeo vớ (bít tất) là chó thuần chủng. Trước đây, khi nghe như vậy, Thụy vẫn thường thầm xem-ah-thường-xem-thường, nhưng nghe ông nội khẳng định lại thêm hôm qua được chứng thực về ‘siêu mũi – trăm ngửi trăm linh’ của 3 con bảy-phần-chó-ba-phần-thỏ này, Thụy thấy cũng đúng a. Xem ra lời đồn dân gian cũng có 7 phần thực.

Ông Cả Phu ngồi xuống nhìn kỹ, lại xoa nắn bàn chân, thắt lưng, lại vạch miệng của 3 con chó rồi vuốt râu hài lòng, chỉ vào con từng con:

“Con chó mực này 4 mắt, có móng đeo, xoáy lưng rõ ràng, khôn ngoan, có tài lãnh đạo”

“Con vá nâu, tai nhỏ, mũi (mõm) dài, lưỡi đốm, dữ tính nhưng đánh hơi đại tài”

“Còn con này” ông nội túm túm cần cổ lông xù của con vá đen “mỏ ngắn, ham ăn, chân ngắn, làm biếng, được cái bàn chân bè, chạy trốn dai sức à”

Thụy phì cười. Con Mực nghiêm túc ngồi nghiêng đầu nhìn ông nội. Con Nâu rụt lui núp sau chân hắn trốn tránh bàn tay của ông Cả Phu, [lúc nãy ông-lão-này lại ‘vạch miệng’, lại ‘kéo lưỡi’ nó, lại ‘sờ hàm’, tính bẻ răng chó của nó phải không ah? Phải không ah?]. Chỉ có con Đen là ngốc ngốc hết nhìn Thụy lại quay sang ông Cả Phu, vẫy đuôi rối rít, ‘mặc người giày xéo’ ah, eh ‘mặc người sờ mó’, há mồm ra gặm gặm bàn tay ông Cả Phu, đùa giỡn rất chi là hăng say.

Thụy thầm nghĩ kinh bỉ nó, “Ông nội đang đánh giá thấp cái phẩm chất con người (con chó) của mày ah, còn đùa hăng như vậy ah, thần kinh ah, ngu ngốc hay sao ah.” Lại thầm khâm phục “Ông nội ‘phán’ cấm có sai”

“Vậy thì chấp nhận số phận đi thôi. Con Mực-boss làm trùm sẽ được theo ba chăn dê, học ‘giao tiếp’; con Nâu-thỏ-đế theo anh Ba đi rừng, học ‘đánh hơi’; còn con Đen-gà-mờ sẽ theo ‘phò tá’ Thảo-đen và Thủy-điệu – hai đứa cháu của Thụy – làm bạn cùng học cùng chơi” Trong đầu Thụy ‘thiên mã hành không’ vạch ra luôn kế hoạch huấn luyện chó và sẵn tiện quyết định luôn cả chính danh lẫn ngoại hiệu cho 3 con chó. “Đợt này anh Ba và ku Thảo tức điên ah, ngoại hiệu trùng với con gâu gâu, Lâm-đen, Thảo-đen, Đen-gà-mờ, nha nha nha, hahaha” Thụy tự nhiên bật cười thành tiếng.

Ông Cả Phu biết rõ tính thằng cháu chập chập, không biết hắn lại đang nghĩ chuyện xấu gì ah [Phiền não, phiền não], bị ‘không khí thoát tuyến’ lôi cuốn, ông vỗ vỗ vay thằng cháu, bôi hết mớ nước bọt của con Đen lên áo Thụy, cười khà khà.

“Đi rừng với nội, lát xuống, nội dắt con đi thăm ông Năm, sẵn nhờ ổng coi cái tay của con, hổng chừng vài bữa lại lành”.

Vợ chồng ông Sáu Trực cũng thức giấc. Bà Sáu đang chuẩn bị nấu cơm đi rẫy, vừa cằn nhằn Thụy sáng sớm sương xuống mà không mặc thêm áo khoác, rồi lại cái gì mà đi làm công việc nguy hiểm, rồi lại cái gì về nhà má nuôi, má cưới dzợ cho, bla bla bla... nửa dụ dỗ nửa uy hiếp thăm dò cho được nguyên nhân cái-tay-gãy.

Thụy ‘xanh mặt’, trong bụng giật thon thót “Chẳng lẽ, mẹ nghi ngờ cái gì?!” Mấy hôm trước gọi điện thoại về nhà hắn chỉ lấp liếm rằng “bị té gãy tay ở công trường, công ty cho nghỉ 1 tháng”, nghĩ rằng cái mặt vẫn lành lặn y nguyên, cánh tay bị thương thì bó bột, mấy vết bầm trên người chỉ cần hắn không cởi áo ra thì ai mà biết được. Ai ngờ, hắn không tính được bà Sáu còn có chiêu điều tra khủng bố này nữa. Hôm qua vừa về đã bị mần cho một trận, sáng nay lại tiếp tục, mẹ công lực thực thâm hậu a.

Mà bà Sáu Trực công lực thâm hậu thật, nhớ mấy năm trước Thụy bị té xe, trầy trụa sơ sơ, hắn bôi nghệ suốt 2 tháng cho mờ dấu sẹo để về quê dịp tết đỡ bị trúng chiêu ‘nhằn’ của mẹ. Ai ngờ về tới nhà, chào ba mẹ xong chưa kịp ngồi xuống đã bị bà Sáu Trực chỉ chỉ vào môi trên của hắn, làm một tràng “Mày mới bị té xe phải không con, tao nói rồi, lên xe là phóng như cô hồn các đảng, đi đầu thai ah mày ah, mày dẹp dùm tao cái xe nổ bạch bạch, khói mù mịt quỷ yêu của mày, công nhân viên chức đi làm mua cái xe nào cho lịch sự đàng hoàng. Mày cởi áo (quần) ra cho tao coi còn trầy trụa chỗ nào nữa không, Con ơi là con!!!” 

Mẹ xuất chiêu, Thụy chỉ có ‘câm họng’ gật đầu nhận sai a. Trong bụng còn xấm ức “rò ràng là coi kiếng (soi gương) thấy da mặt trắng-trẻo-nuột-nà lắm rồi mà...”


Thụy giật giật tay ông Sáu cầu cứu. Ông Sáu đang ngồi hút thuốc rê chờ nước sôi pha trà, nhìn hắn cười cười nói với hắn và bà Sáu “Thôi, đi với nội, để mất công nội chờ, có chuyện gì nói sau”

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

7. Thanh âm quê nhà



Âm thanh hay mùi hương là một trải nghiệm kỳ diệu của không chỉ của tai nghe, của mũi ngửi mà còn của trái tim, của cảm tình và ký ức. Người ta đặt kiến thức vào trong những cuốn sách. Người ta bắt giữ hình ảnh cất trong cái TV. Họ giữ mùi hương cất vào trong lọ nước hoa. Họ lại bắt được âm thanh cất vào trong đĩa CD, cái thẻ nhớ. Nhưng người ta không lưu lại được những cảm xúc, không truyền lại được trọn vẹn những trải nghiệm của mình.

10 năm xa nhà, Thụy nhớ tiếng suối Thanh Long đổ đùng đùng những mùa mưa, nhớ cái tiếng gió rừng già u u lùa trong khe núi, nhớ tiếng bìm bịp kêu chiều, tiếng dơi đêm, tiếng sói vọng trăng khuya, tiếng con chích chòe hót đầu cành ban sáng, nhớ đến cả tiếng chổi quét sân xạc xào, tiếng cằn nhằn của mẹ, tiếng nội húng hắn ho, tiếng chày cha giã bàng... Mà ngặt nỗi ký ức cứ lờ lờ như có một tầng sương mù che phủ. Nỗi nhớ không thể rửa ra ảnh chụp, không thể quay phim để post lên youtube. Thụy lại không thể kể cho ai nghe vì âm thanh không tả được bằng lời.

Nhiều khi Thụy nghĩ, nếu mình là nhạc sĩ thì tốt rồi, Thụy muốn ghi lại những âm thanh kia theo cách riêng của mình để cất đi, hay mang theo, hoặc để lúc nào cần Thụy có thể ‘nhìn’ thấy. Rồi Thụy lại rối rắm, giả sử âm thanh kia nếu ghi lại được, thanh âm kia nếu diễn tấu được đi thì cũng vô hồn, cũng chỉ là dung môi, là vật dẫn để gợi nhớ lại, để Thụy tìm về cái tiếng vang vọng thăm thẳm trong lòng kia.

Tiếng dòng thác ầm vang trong mưa gió hào hùng không thể nào ‘nghe ra’ giữa căn phòng máy lạnh với bốn bức tường, tiếng đá reo không thể nghe giữa dòng xe cộ Sài gòn, tiếng bìm bịp không thể thiếu ánh nắng chiều, tiếng dơi đêm làm sao thiếu mùi nhãn chín, tiếng con sói vọng - trăng đâu? Con chích chòe núp trong lùm cây trên cao, làm sao kêu vui chỗ nghìn nghịt đông người.

Bối cảnh, thời gian, sự cộng hưởng... Thụy gọi đó là ‘gia’ của thanh âm. Giống như Thụy có ‘gia’ của mình. Tiếng quét nhà là của mẹ, tiếng giã bàng của cha, tiếng anh Ba phát rẫy, tiếng lục đục của chị hai nấu cơm chiều, tiếng ho của ông... tiếng cằn nhằn, Thụy biết, đó là tình yêu thương, sự quan tâm dành cho những đứa con ‘lớn già đầu mà không nên thân nên hình’ của mẹ.

Sáng nay, Thụy thứ giấc ở nhà của mình, nằm trên chiếc chõng tre thân thuộc của mình, nghe tiếng hót ngoài cửa sổ, hít hà mùi bông ngâu của nội trồng bên sàn nước. 4 giờ 30, ngoài trời đã tờ mờ, sương núi giăng bồng bềnh như dải lụa, à mà không, đó là sương ‘truyền thuyết’ của mấy vùng cao nguyên núi cao ngàn mét. Sương ở xứ Thụy đọng lại từng chùm, từng chùm trắng xốp trên tán cây, trên mái nhà; là đà, nhảy nhót bên suối Thanh Long, thác Thủy Liêm như muốn hòa mình vào dòng nước; sương miền Bảy Núi cứ tưởng mình là mưa muốn sầm sập đổ xuống vồ, xuống non, xuống ảng; sương lại ngỡ mình là gió, muốn thổi vào động, vào hang...

Thụy nhìn qua cửa sổ thấy lờ mờ trong sương mấy người vác săn mây đi rẫy sớm. Bộ ngựa đối diện, ông nội lục đục thức dậy ‘đi rừng’. Ông Cả Phu trước đây là người gác rừng, nay lớn tuổi lại ‘cách đời’ truyền cho anh Ba của Thụy. Chòi canh nằm trên các vồ cao, các hộ trong Xóm Núi thay phiên nhau cắt cử người gác đêm phòng hỏa hoạn, phòng thú rừng phá rẫy. Ông Cả Phu không còn gác rừng nữa nhưng vẫn giữ thói quen buổi sáng đi một vòng đỉnh núi thắp nhang ở Chùa Phật Nhỏ, đi vồ Pháo Binh, vồ Chư Thần, quay về Vồ Giữa, đến thắp nhang Điện Bồ Hong rồi mới xuống núi về nhà. Mấy anh em nhà Thụy nhờ từ nhỏ theo ông mà luyện thành ‘Thạch Thượng Phiêu’, đi trên đá núi giống như đeo giày patanh bon bon trên vỉa hè đá hoa cương trơn bóng.

Thụy xăng xái xuống giường chuẩn bị theo ông đi núi.

Tối qua Thụy về khuya (hơn 10h?), cả người ướt nhẹp, tay bó bột, lưng mang ba lô, tay kia xách lồng chó, hào khí ngất trời làm ông sáu Trực một trận hết hồn, và rước lấy một trận ‘cằn nhằn’ thỏa-lòng-mong-ước từ bà Sáu Trực. Thụy nghi ngờ rằng vì mẹ biết chuyện trong bụng mình nhung nhớ cái ‘thanh âm quê nhà’, nên mới ‘thiết đãi’ hắn một trận nên-thân như thế.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

6. “Long tranh Hổ đấu”



Đảo mắt nhìn về mé rừng phía nam hồ Thanh Long và Vồ Thiên Tuế, Thụy há hốc mồm, chết cứng, trong đầu bắt đầu rối loạn “hai trắng một đen, nhầm, hai đen một trắng, đêm nay đúng là nguyệt sáng phong cao ah, cả 3 ông đều xuất hiện, ahhh”.

Đám rừng cây xào xạc. Mặt nước hồ Thanh Long lao xao, dưới ánh trăng bạc như một mặt gương vỡ ra hàng ngàn mảnh nhỏ. Ba cái bóng lớn đang quần thảo một bóng đen dài ngoằn...

“Mãng xà a” Thụy lo sợ và rối rắm nghĩ, “Cái này mới thật là đánh lớn ah, ông hổ đánh mãng xà, trong truyền thuyết Long tranh Hổ đấu ahhh”.

Gió núi bắt đầu nổi lên, từng trận, từng trận lạnh buốt. Mặt nước hồ Thanh Long thoát phá, Thụy thấy mặt đất dưới chân rung lên. Mùi tanh hôi phả vào mặt. Thụy núp vào một ảng đá chếch bờ bắc hồ Thanh Long, cả người như bị ‘định’ thân một chỗ, không rời mắt quan sát phía đàng xa, hai Hắc Hổ tả hữu vờn quanh tấn công, ông Bạch Hổ ở trực diện linh hoạt né tránh những cú mổ chết người (chết hổ) của ‘đại’ mãng xà.

Mãng xà hết sức tinh ranh, sau mỗi cú vồ hụt lập tức co người phòng thủ, né trái vồ phải liên miên không dứt. Chí có phía sau lưng có hồ nước che chắn, còn lại ba bề thọ địch nên mãng xà cuộn tròn, thân rắn quấn quanh dần vào trung tâm, che chắn phần bụng, đầu ngẩng cao lắc lư sẵn sàng xuất kỳ bất ý đánh ra đòn hiểm.

Thấy mãng xà bắt đầu co cụm phòng thủ, ba ông hổ đổi chiến thuật, bắt đầu hết tốc lực chạy loạn xung quanh, hễ bị mổ thì né tránh, còn hai đồng bọn không ngừng dùng hổ trảo ầm ầm đánh vào thân rắn.

Bị mấy cú tát kiệt lực, mãng xà dần rơi vào hạ phong, thế phòng thủ bị phá, cả thân hình xoắn vặn không ngừng lùi về mép nước, chuẩn bị đào tẩu.

Ba ông hổ tấn công càng ác liệt hơn. Trận chiến bắt đầu lùi dần về phía bờ hồ, Bạch Hổ không ngừng công kích đầu rắn, hai Hắc Hổ lúc này cũng không e ngại chân đã chạm nước vẫn không ngừng bám sát mãnh đập vào thân rắn. Từng trận sóng nước tung lên như rào rào như mưa.

Mắt thấy mãng xà vặn mình quay đầu thoái lui vào hồ, Bạch Hổ bỗng cất tiếng gầm chấn thiên. Như nghe được hiệu lệnh, một Hắc Hổ lao vào ngoạm chặt đuôi rắn, điên cuồng lùi nhanh, kéo thân rắn về phía bờ đá. Mãng xà đầu chưa kịp vào trong nước thì bị hẫng, cả thân hình to lớn, đùng đùng đổ vào Hồ Thanh Long, vặn vẹo thân mình không ngừng để tránh thoát. Hắc Hổ còn lại lao tới vồ mạnh, một mồm to cắn vào thân rắn không buông.

Bị đau đớn, mãng xà bắt đầu điên cuồn, vặn người hướng Hắc Hổ đang tàn sát bừa bãi trên thân rắn phun nọc phì phì, chuẩn bị mổ. Lúc này, Bạch Hổ trên bờ lại gầm lên một tiếng kinh thiên động địa, rồi thần tốc lao tới, đạp vào bờ đá lấy đà, cả người (cả hổ) bay ra xa, chụp vào đầu rắn đang ngẩng cao, hổ khẩu chuẩn xác ngoạm vào bảy tấc bụng rắn.

“Ầm!” một tiếng, cả hổ và mãng xà rơi vào trong nước. Mặt hồ sôi sục điên cuồng, từng đợt sóng ngầm cuộn lên rồi nổ thành bọt nước tung tóe. Được chừng 10’ thì mặt nước dần im tĩnh lại. Thụy trông mong nhìn về phía hồ chờ cái bóng trắng xuất hiện. Ông Hắc Hổ như cũng sốt ruột, rối rít đảo quanh bờ hồ, một ông khác leo lên mỏm đá ngóng nhìn vào phía lòng hồ.


10’, 20’ rồi nửa giờ trôi qua, Thụy nghe trong lòng cồn cào. Nỗi sợ hãi từ ban đầu đã biến mất tự lúc nào, cảm giác bàng hoàng, kinh ngạc về cuộc kỳ ngộ cũng không còn. Thụy chỉ thấy chút cảm khái về cái bi tráng hào hùng của trận chiến và cuồn cuộn trong lòng lúc này là nỗi chờ mong và hy vọng ‘cái bóng trắng’ trở về.

Bạch Hổ thủ hộ sơn lâm, bảo vệ thôn xóm và con người trên vùng núi cao thâm u, huyền bí. Bạch Hổ là biểu tượng tinh thần tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh. Bạch Hổ dũng cảm, Bạch Hổ kiên trì. Bạch Hổ là Vương của núi rừng... Đứa con nào lớn lên từ Xóm Núi cũng mang trong lòng mình một tượng đài chung cao hơn hết thảy thần tượng. “Sợ mà kính, xa mà thân, úy mà luôn mang trong lòng”.

Không biết bao lâu, Hắc Hổ vọng về phía hồ, gầm lên thê lương rồi xoay mình bỏ chạy lên Vồ Thiên Tuế, thành 2 chấm đen biến mất trong lùm cây um tùm.

Trong chớp mắt, mây đen ùn ùn kéo tới, ánh trăng bị che khuất, rừng đêm tối mịt. Gió thét gào cuồng loạn, sàn sạt quất vào rừng cây. Gió vù vù qua khe đá. Và... mưa! Mưa sầm sập, liên miên như một khối nước khổng lồ từ trên trời trút thẳng xuống Thiên Cấm Sơn. Nước suối Sư Bình, suối Thanh Long thành thác lớn, ào ào đổ xuống hạ lưu, kéo theo bùn đất, cát đá, nhánh cây ần ầm đổ vào trong hồ. Cả rừng núi giống như đang trở mình.


Thụy chịu trận nép mình dưới ang đá đụt mưa hơn một giờ đồng hồ thì mưa ngừng. Trăng lên, sáng vằng vặc. Rừng núi loang loáng bóng trăng, bóng lá, gió nhè nhẹ đung đưa tán cây. Núi đêm lại yên bình, tĩnh lặng... như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

5. Truyền thuyết Ông Hổ



Vùng Thất Sơn có tất cả 37 núi lớn nhỏ. Người ta gọi tên vùng này là Bảy Núi căn cứ theo 7 ngọn núi điểm ‘linh huyệt’ bao gồm Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) cao nhất, ở trung tâm và 6 núi vây quanh là Ngọa Long Sơn (núi Dài) tượng trưng cho rồng, Bạch Hổ Sơn (núi Phú Cường) tượng trưng cho hổ (?), Nam Quy Sơn – quy, Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô) – phượng hoàng, Liên Hoa Sơn (núi Tượng) – voi và núi Trà Sư (núi Két và núi Trà Sư) – kỳ lân.

Thiên Cấm Sơn từ xưa ‘hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tóc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước... Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy’. Từ mấy thế kỷ trước, Thiên Cấm Sơn đã được khai phá, người Việt đến sinh sống, hòa nhập với người Miên (Khmer) ‘khai thác nguồn lợi thiên nhiên, lập vườn cây ăn trái, trồng hoa màu, tìm dược thảo, làm ruộng ở chân núi, bắt cá vào mùa hạn ở các ao đìa...

Đến đời cha và đời Thụy thì Thiên Cấm Sơn đã dần vắng tiếng núi rừng. Phá mà thiếu xây, dùng mà thiếu giữ nên sơn lâm dần hao mòn. Rừng núi đau, người dân Xóm Núi đau nhưng chỉ biết thở dài ‘thời thế, thế thời, thời phải thế’. Đám trẻ con Xóm Núi buồn thênh, nghèo rớt, loanh quanh bên ngoài đôi ba năm rồi về ôm ấp núi. Nhưng núi già mà không chết, núi có Giếng Thạch Sanh, còn Hang ông Bác Vật; suối Thanh Long còn đó, dấu Chân Tiên nằm kia; ông Bạch Hổ vẫn giữ rừng thì làm sao núi chết. Thụy và từng người Xóm Núi bao đời nay đều tin rằng ‘có ông Bạch Hổ, giữ núi hộ rừng, yêu ma quỷ quái, chẳng có ngại ngần’.

Tương truyền rằng, phía đông nam Thiên Cấm Sơn có núi Bà Đội Ôm hoang vu hiểm trở, nhiều yêu tinh thú dữ, trên núi có con hạm tinh chuyên ăn thịt người. Một ngày kia, con hạm tinh tìm đường lên Núi Cấm ăn thịt sơn dân, vừa tới cửa núi thì bị bầy hổ núi Cấm vây quanh, 2 ông Hắc Hổ chặn đánh con hạm tinh trên đỉnh Vồ Thiên Tuế. Con hạm tinh tu luyện thành yêu, biết tà thuật, hóa phép làm cuồng phong đánh với 2 ông hắc hổ. Sơn lâm chấn động, điểu thú tẩu tán, các tu sĩ tu luyện trên núi vây xem không dám đến gần. Giao đấu nhiều giờ bất phân thắng bại, bầy hổ núi Cấm mấy trăm con vòng quanh trợ trận, gào thét rung trời. Đến rạng sáng, bỗng có tiếng gầm vang dội, ông Bạch Hổ từ hướng Đông Bắc vồ Thiên Tuế bất ngờ xuất hiện lao vào tấn công con hạm tinh, hai ông Hắc Hổ lùi ra hai bên yển trợ. Chưa đầy một khắc sau, hạm tinh bị Ông Bạch Hổ cắn đứt cổ, giết chết con hạm tinh và đẩy xác xuống khe sâu bên vồ Thiên Tuế. Thiên Cấm Sơn yên ổn từ đó.
(Núi Bà Đội Ôm - trên đỉnh có tảng đá to như đầu người phụ nữ đội cà ôm; con hạm tinh: giống như hổ, chuyên ăn thịt người, xác chết, thịt thối)

Ông nội và những người lớn tuổi trong Xóm Núi bảo Vồ Thiên Tuế có 3 hang hổ của Ông Bạch Hổ và 2 ông Hắc Hổ, ban ngày các ông đi săn, chỉ buổi tối mới trở về nghỉ ngơi. Hồi học cấp 2, Thụy và mấy thằng lớn gan lén theo triền dốc cheo leo hơn 10m xuống hang Ông Bạch Hổ ‘thám hiểm’. Nhìn cửa hang sâu hút, tối om, không thằng nào dám vào, đứng bên ngoài ngó nghiêng, ngửi ngửi mùi ‘khen khét’ đặc thù rồi thần hồn nát thần tính ù té chạy.

Cho nên nói, khẳng định lại lần nữa, không phải sợ, mà là kính. Mà thôi, bảo sợ cũng được, dù sao chạy một đường dài như vậy... ahhhhh.

Đến Vồ Bà, cánh tay hơi rã rời, Thụy buông lồng sắt, ngồi trên mỏm đá ven đường đốt thuốc. Nãy giờ ‘vận động nhiều’ làm cánh tay bị thương hơi ê ẩm. Gần 8h, văng vẳng đàng xa còn nghe tiếng suối Sư Bình róc rách, mấy bóng dơi chớp qua dưới trăng bàng bạc. Càng lên cao càng lạnh, rừng núi càng im ắng. Ba con chó nhỏ cũng mệt mỏi nằm ỉu xìu trong lồng.

Phục hồi xong, Thụy dụi tàn thuốc xách lồng đi tiếp, chưa được ba bước thì Thụy nghe tiếng quạ inh ỏi. Quay lưng lại nhìn mấy tàng cây gần suối Sư Bình từng bầy chim tao tác bay lên. “Hic, đên nay động rừng hả trời?!” Thụy thầm nghĩ, chân không ngừng bước tiếp.


“Gràooo... Gràooo” 

Lại có tiếng gầm vang lên, lần này là mua một tặng một, 2 tiếng gầm gừ liên tiếp vang lên từ phía hồ Thanh Long. Ba con chó con lập lại trạng thái vừa qua cách dây 15’, rúm ró trong lồng, lần này thì tiếng rên nghe “chít, chít” như tiếng chuột kêu, chắc cũng giống như Thụy, đã lả người.

Trong đầu thoáng cân nhắc, Thụy dứt khoát xách lồng chó lên, một đường chạy thẳng về nhà, đặt lồng chó và hành lý trước cửa nhà, rồi quay đầu trở lại suối Thanh Long.