Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

3. Đường về Xóm Núi



Một đường thuận lợi từ thành phố về bến xe thị xã mất hơn 6 giờ. Trời ngả về chiều, Thụy xuống xe, đón xe lôi vào núi. Xe lôi ở miền Tây có 2 loại, phân biệt theo loại phương tiện dùng làm đầu kéo; đầu kéo bằng xe đạp thì gọi là xe lôi (đạp), còn đầu kéo bằng xe Honda (xe máy 67) có máy che mui gọi là xe lôi thùng. Chuyến cuối ngày vào núi xe đông, 2 băng ghế chật ních, Thụy ngồi trên thành xe, một tay vịn vào thùng xe (còn tay kia đang bó bột) nghe gió đồng thổi vào cả người sảng khoái.

Đường vào núi chạy song song với kinh Vĩnh Tế, trải đá lởm chởm, xóc nảy ngã tới ngã lui, y nguyên như hồi hắn đi 10 trước. Miền Tây sông nước, sông nước miền Tây, không phải ngẫu nhiên mà miền Tây được mệnh danh như vậy, nước chảy về chỗ trũng, sát núi kề biển thì sông suối nhiều, nhưng xứ sở của hắn thì sông ngòi nhiều đến mức độ ‘chằng chịt’. Ngoài sông ngòi tự nhiên còn có kênh đào. Kênh đào Vĩnh Tế nối liền từ bờ tây sông Châu Đốc vào tới Hà Tiên, dài gần 90 cây số. Xóm Núi nhà Thụy nằm ở giữa chừng.

Đường quê cắt ngang cắt dọc bằng những cây cầu. Có sông thì có đồng bằng, có ruộng lúa rồi có làng xóm, đường nối làng xóm, cầu nối đường, năm tháng nối cuộc sống, người nhà quê quây quần bên sông bên ruộng, rồi làng quê thành xứ sở, xứ sở gieo vào trong lòng những đứa con của mình những nỗi niềm nhớ nhung chung thủy. Thụy nhớ ông nội cảm khái kể về câu chuyện của tổ tiên đào kênh chốn ‘đồng không mông quạnh’ vùng đất ‘lam sơn chướng khí’ từ thời vua Gia Long.

            ...Đào kênh trước, mấy kỳ khó nhớ
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Xông pha máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này
Quê cách trở, lấy ai hộ tống,
Sống làm binh, thác chống quỷ ma.
Than ôi, ai cũng người ta,
Mà sao người lại thân ra thế này?...

Kính rồi yêu, nhìn rồi quen, xa thời nhớ. Chắc vì thế người dân quê Thụy cứ thế mà đi không được ra ngõ lại về.

Đến gần chợ Tịnh Biên thì xe chết máy, mấy hành khách xuống xe nghỉ tạm chờ sửa xe. Thụy đi loanh quanh ngó nghiêng mấy quầy hàng sơn dược, thuốc nam. Chợ chiều đã vãng, người thưa thớt. Một ông già xách cái lồng chó con làm hắn chú ý. Dân xứ này ít khi mua hay bán chó, trong nhà nuôi chủ yếu là chó cỏ, khi sinh con thì trực tiếp cho bà con láng giềng. Trong lồng có 3 con chó con, một chó mực và hai con chó vện, giống như cùng bầy.

Hỏi chuyện mới biết, ông già là ông Út Mười, ở tuốt trong Kênh Trà Sư, thương thằng cháu ngoại bệnh mà nhà khó khăn nên bán chó giúp tiền cho con gái. 3 con chó lai lịch cũng không tầm thường là chó mun săn, cái mũi rất thính và khôn lanh, giống chó này thích hợp huấn luyện kết đội giúp chủ đi săn, nghe ông già nói chó mẹ còn từng cùng con trai ông săn được heo rừng.

Thụy nhìn 3 con vật còn nét tròn vo và lông xù đáng yêu đặc thù của chó con, đầu tam giác, tai nhỏ, đứng yên cụp đuôi, nhìn mình đầy lanh lợi trong lòng thấy thinh thích. Gặp chuyện thì giúp, huống chi mua thứ mình thích trong lòng lại càng thoải mái, Thụy quyết định mua về nhà cho đứa cháu nuôi, không nói chuyện đi săn xa xôi, giữ nhà, giữ bầy dê cũng tốt.

Trả tiền mua chó, cho ông Út Mười chút tiền về xe rồi xách lồng ra xe. Mấy con chó nhỏ nhìn theo ông già đi xa ăng ẳng kêu vài tiếng.

Xe sửa xong, mấy người hành khách lục tục lên xe. Thêm cái lồng chó trên xe càng có vẻ chật chội, mỗi người nhích vào một chút, nhưng không có ai phàn nàn gì. Ba con chó nhỏ không sợ người lạ, nằm trong lồng thò móng vuốt ra nghịch mấy sợi dây lạt thòng xuống từ mấy cái nong nia, thúng gánh trồng trên lồng chó.

Có người hỏi thăm mua mất bao nhiêu tiền, rồi chậc chậc “Ba con đều đuôi cụp khôn dữ lắm đây”. Người nhà quê hay bảo chó đươi cụp khôn lanh. Thụy thích những con chó mặt tam giác, tai nhỏ và vểnh, đuôi cụp nhìn hình dạng còn giữ lại đôi phần dã tính của chó sói, trung thành và còn giữ được cái bản tính hoang dã của núi rừng.

Xe đến chân núi gần 7h, trời đã tối hẳn. Thụy quyết định không nghỉ lại dưới chân núi mà lên núi đêm.

Xóm Núi có gần 30 hộ ở lưng chừng Thiên Cấm Sơn. Thiên Cấm Sơn cao gần 1.000m có nhiều đỉnh chỏm và hang  được lập điện, dựng thờ. Hàng năm nhiều khách hành hương về đây dâng hương cúng bái nên đường lên núi được sửa sang và giữ gìn tương đối tốt. Hơn ngàn bậc thang thẳng đứng với thằng Thụy công chức thành phố có vẻ quá ngán ngẩm, nhưng với thằng Thụy cùi cũi Xóm Núi thì bình thường như ăn một bữa cơm. Thanh niên, con nít xóm núi ngày nào cũng lên xuống vài bận đi học, đi gùi gạo lên núi, gùi trái cây xuống núi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét