Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

2. Hùng “đại ca”



Thụy lồm cồm bò dậy, chống tay, thấy đau điếng; “Con mẹ nó, xui, chắc gãy tay rồi”.

Chiếc xe máy trờ tới, dừng lại, người trên xe bước xuống, đỡ hắn đứng lên và hỏi thăm. Hắn kể sơ lược tình hình rồi sau đó luận lý thành chương: đi bệnh viện ah, đi bệnh viện ah, bó bột ah, bó bột ah, nghỉ làm ah... Dân văn phòng dùng cái đầu và cái miệng để làm việc là chính, tay phải bị thương không dùng chuột và bàn phím được thì có tay trái làm thay, nhưng hắn thuận tiện xin nghỉ luôn một tháng vì... hắn chán.

Một mình ở thành phố, trước giờ hắn ít khi thấy cô đơn, bạn bè, đồng nghiệp, hội nhóm, công việc vần xoay, loay quay thoắt cái thành 10 năm. 10 năm có khi là ngắn, có khi cũng đủ dài. Tết rồi về nhà thấy mấy đứa cháu lớn lên, thấy ba mẹ già hơn, trong lòng hắn nhen nhóm lên một nỗi niềm là lạ. Ba mẹ còn mấy lần 10 năm...

“Cộc... Cộc...” Có tiếng gõ cửa rồi Hùng bước vào. Hùng là người đưa hắn vào bệnh viện. Lúc mới gặp hắn đã ngờ ngợ, hóa ra thật sự là người quen. Thành phố lớn này gặp được đồng hương là hiếm lắm, gặp đồng hương từ thôn nhỏ như hắn lại càng hiếm. Xóm Núi làm nông bao đời, thôn xóm cách trở, đường xá xa xôi, nên người trong thôn ít ra ngoài làm ăn. Cả thôn có vài người được học hành tới nơi tới chốn, loanh quanh mấy thành phố lớn được vài năm rồi cũng về xứ sở.

Hùng lớn hơn hắn 3 tuổi coi như là bạn đồng lứa, học chung nhau mấy năm tiểu học, sau đó Hùng bỏ học được vài năm vào thành phố du đãng kiếm sống. Gần 20 năm không gặp hắn chỉ còn nhận ra được cái điệu cười rất sáng, giọng nói sang sảng và hơi cục của người cùng quê.

“Đỡ chưa? Chừng nào về?” Hùng hỏi.

“Chút nữa đến giờ làm việc, bác sĩ kiểm tra lại rồi xuất viện. Đi cafe” Ngoài cái tay bị gãy, còn lại tính ra hắn bị thương không nặng, bầm dập mấy chỗ, nằm truyền dịch và theo dõi 1 ngày là có thể “miễn cưỡng” được cho về. Bệnh viện cũng không giới hạn tự do, hắn có thể đi lòng vòng ngoài sân, hay trốn ra mấy quán cafe trước cổng hút thuốc.

Hai thằng hàn huyên câu được câu mất về gia đình, làng xóm, về cuộc sống mấy năm này. Hùng từ nhỏ mất cha, mẹ có gia đình khác, về sống chung với bà nội được vài năm thì bà cũng mất, còn lại một mình lang bạt đến thành phố này. Mấy năm trước cũng ‘quậy đục nước khu Bờ Kè’ giờ mở quán nhậu, vợ mất và có một con gái.

Thụy rít thuốc, trầm ngâm. Hắn cảm thán về cái thành phố tiêu pha hết hùng tâm tráng chí của thằng-người-trẻ ôm hoài bão lớn lao như hắn, cái thành phố mài mòn cái góc cạnh, ngông nghênh, bất cần của Hùng. 10 năm, thằng nông dân trong hắn ép mình núp sâu vào bên trong cái vỏ bọc hào nhoáng giờ kêu gào trỗi dậy. Hắn hoang mang không biết đây là một lần đấu tranh hay vùng vẫy trước cái chết.

Lúc đầu, hắn thấy thành phố này tốt lắm, mọi thứ đều thuận tiện, công việc kiếm tiền; nhưng dần dần cuộc sống tất bật của thị dân làm hắn ngột ngạt, chứng tự-kỷ-tuổi-30 làm hắn đắn đo, mà hơn cả là nỗi nhớ nhà và bản chất nông dân làm hắn áy náy...

“Giờ mày tính sao?” Hùng đột nhiên hỏi, hắn giật mình ngẩng đầu thoát khỏi trạng thái ‘thần du thiên ngoại’.

“Về quê nghỉ ngơi một thời gian rồi tính.”

“Không phải chuyện đó” Hùng hơi ngập ngừng, “Mấy thằng đánh mày bữa trước, tao biết tụi đó”

“Ah” Hắn ngạc nhiên “Tính gì, coi như xui đi.” Hắn trả lời dứt khoát, trong đầu xoay xoay lờ mờ tìm ra cách giải thích tại sao Hùng biết mấy thằng đó. Năm trước, thằng em họ gây chuyện ở một quán nhậu khu Chợ Cầu bị dần một trận nghe nói là đụng băng đảng của Hùng “đại ca”.

“Mày về quê khi nào lên lại thành phố ghé chỗ tao gặp mặt một lần, coi như hòa giải, hòa giải.”

Hắn cười cười, bắt đầu nhìn Hùng bằng cặp mắt khác, lại càng thêm cảm thán về sự-ma-người của cái thành phố này. Cũng đúng thôi, mài sắt thành kim, mài ngọc thành khí chớ không hẳn là như hắn nghĩ mài sắt thành con dao cùng. Bi ai, bi ai.

Buổi trưa, thủ tục xuất viện làm xong, hắn gởi xe, về nhà trọ sắp xếp hành lý rồi bắt taxi dông thẳng ra bến xe về quê. Hai ngày trước đã gọi điện cho công ty xin nghỉ phép và sắp xếp công việc, có mấy đồng nghiệp tới thăm; cô bé bị giật túi xách nhìn hắn rơm rớm nước mắt, đầy áy náy, lộn xộn nói xin lỗi, nói cám ơn. Hắn còn phải cười méo méo an ủi ngược lại cô bé “Tính, coi như xui thôi em, ít nhất được nghỉ ngơi một thời gian”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét