Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

4. Lên núi đêm – Gặp gỡ thoáng qua



“Hiệp sĩ một tay” xách lồng chó, dọc theo đường mòn lên núi. Trong lòng Thụy nhảy nhót nôn nao nên bước chân cứ lâng lâng, thoắt cái đã gần đến suối Thanh Long.

Ba con chó nhỏ no nê nằm im trong lồng. Lúc xuống xe chuẩn bị lên núi, Thụy vừa cho chó con ăn sữa. Con Đen to nhất, ra dáng ‘đàn anh’, ăn uống hết sức từ tốn, chậm rãi. Con Nâu tính tình ác liệt, vừa ăn vừa gầm gừ và dùng cái mõm ngắn và cái mông béo ú hất con Đốm ra khỏi ‘vòng chiến’, con Đốm ngốc ngốc chạy tới chạy lui kêu ‘âu âu’, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn về phía Thụy cầu cứu.

Chó mun săn khôn lanh, không nhận người lạ, nhưng trung thành với chủ. Ba con chó nhỏ với Thụy coi như có duyên, lại ‘vừa gặp đã thân’ nên Thụy càng nhìn càng hài lòng, một tay xách lồng leo dốc một đường không mỏi.

Hồ Thanh Long, Cao Đài Tự, suối Sư Bình, qua Vồ Bà, gần đến chùa Phật Nhỏ là tới nhà, một đường nôn nao, một vùng thân thuộc. Tiếng suối chảy ồ ồ, tiếng côn trùng, giọt sương rơi trên da thịt, một đường ánh trăng bàng bạc sương mù mông lung, thân thuộc quá chừng. Từng bậc thang thấp cao, Thụy bước đi nhẹ nhàng như trên đất bằng.

Những người lớn tuổi vùng này kiêng kỵ đi đêm, một phần vì rừng núi hoang vu thâm u, nhiều mãng xà, thú dữ, một phần vì tôn kính linh thiêng. Năm Non, Bảy Núi, Chín Sông từ xưa đến giờ không thiếu những truyền thuyết ly kỳ. Ông nội kể hồi trước người Xóm Núi đi rừng ai cũng phải mang theo cây săn mây và cái rựa lận lưng để đề phòng rắn rít cọp beo. Gặp thú dữ, sơn dân có nghề còn dám đánh nhưng mà gặp phải linh thú thì chỉ có quỳ lạy xin tha. Người dân Xóm Núi tin tưởng rằng linh thú như mãng xà, ông ba mươi (cọp) tu luyện và thủ hộ rừng núi, không hại người. Có kỵ có thiêng, có kiêng có lành. Tin và sợ ràng buộc con người, nhưng niềm tôn kính mới làm sơn dân sinh sống chan hòa, yên lành cùng với núi rừng. Tôn kính sơn lâm là bài học đầu tiên và được nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc đời người dân núi. (cây săn mây: làm từ dây mây rừng, dẻo dai, dài khoảng 2m một đầu nhọn dùng làm thương, một đầu dẹp dùng làm đao)

Hồi tưởng của Thụy cắt ngang vì ba con chó nhỏ đột nhiên cào lòng sắt, rên rỉ và co rúm ró ép sát vào thành lồng. Linh cảm có cái gì đó làm cho bọn nó sơ hãi, Thụy dừng bước vỗ vỗ vào thành lồng trấn an, rồi dáo dát nhìn quanh. Có mùi ‘khen khét’. Thụy hơi ngạc nhiên, chẳng lẽ có ai đốt cái gì rồi quên dập lửa gây cháy?! Hôm trước trời mới mưa, rừng khuya sương xuống ẩm ướt làm sao cháy được, huống hồ ai đốt vàng mã giờ này...

Trong đầu lại hình thành một ý nghĩ mơ hồ. Thụy đưa mắt nhìn về hướng Vồ Thiên Tuế. 

“Gràooo” một tiếng rống chấn thiên cùng với một bóng trắng vụt qua rổi biến mất trong đám cây bụi rậm rạp bên kia vồ. Ba con chó nhỏ run bần bật trong lồng.  (Vồ (hoặc non):chỉ một chỏm đá cao, hay một mỏm đá nhô cao trên núi).

“Mùi khét, bọn chó hoảng sợ, Ông Ba Mươi, Ông Ba Mươi, chắc chắn là Ông Ba Mươi... hơn nữa là màu trắng, màu trắng, xuất hiện trên Vồ Thiên Tuế...” hình ảnh trong đầu Thụy lướt nhanh, chân như bay trên các bậc thang lên núi, có khi 2-3 bậc một lúc, cái tay bị thương không ảnh hưởng chút nào đến cước bộ.

Một đường ào ào như bay, đến gần Cao Đài Tự, thấy chó không run rẩy nữa Thụy mới dừng lại thở, khu này có người ở, có gì... đỡ sợ ahhhh.

Nghe mùi, con chó cụp đuôi, nhanh chân bỏ chạy ông ba mươi tới gần

Người dân Xóm Núi không ai không biết chuyện chó săn sợ hổ. Con hổ - ông Ba Mươi có ‘mùi khét’ đặc thù, mà cả chó săn và chó nhà đều rất sợ. 

Người Bảy Núi ngày trước nuôi chó mun săn để huấn luyện giúp chủ đi săn thú. Một đàn ba bốn con. Con chó đầu đàn phải chọn con chó có ‘máu mặt’, tai nhỏ, bụng thon, thạo đánh hơi và theo dấu con mồi. Khi gặp thú rừng như hươu, nai, rắn, thậm chí lợn rừng, con chó đầu đàn sẽ báo cho chủ biết rồi theo dấu truy đuổi con mồi. 

Nhưng khi gặp ông Ba Mươi, hoặc vào địa bàn có ‘mùi’ của ổng thì đàn chó không dám đánh hơi nữa mà quanh quẩn, rối rít bên người chủ. Người chủ thấy đàn chó cụp đuôi sợ sệt co cụm lại là ‘biết ý’, cả người cả chó... bỏ chạy nhanh nhanh nhanh.

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

3. Đường về Xóm Núi



Một đường thuận lợi từ thành phố về bến xe thị xã mất hơn 6 giờ. Trời ngả về chiều, Thụy xuống xe, đón xe lôi vào núi. Xe lôi ở miền Tây có 2 loại, phân biệt theo loại phương tiện dùng làm đầu kéo; đầu kéo bằng xe đạp thì gọi là xe lôi (đạp), còn đầu kéo bằng xe Honda (xe máy 67) có máy che mui gọi là xe lôi thùng. Chuyến cuối ngày vào núi xe đông, 2 băng ghế chật ních, Thụy ngồi trên thành xe, một tay vịn vào thùng xe (còn tay kia đang bó bột) nghe gió đồng thổi vào cả người sảng khoái.

Đường vào núi chạy song song với kinh Vĩnh Tế, trải đá lởm chởm, xóc nảy ngã tới ngã lui, y nguyên như hồi hắn đi 10 trước. Miền Tây sông nước, sông nước miền Tây, không phải ngẫu nhiên mà miền Tây được mệnh danh như vậy, nước chảy về chỗ trũng, sát núi kề biển thì sông suối nhiều, nhưng xứ sở của hắn thì sông ngòi nhiều đến mức độ ‘chằng chịt’. Ngoài sông ngòi tự nhiên còn có kênh đào. Kênh đào Vĩnh Tế nối liền từ bờ tây sông Châu Đốc vào tới Hà Tiên, dài gần 90 cây số. Xóm Núi nhà Thụy nằm ở giữa chừng.

Đường quê cắt ngang cắt dọc bằng những cây cầu. Có sông thì có đồng bằng, có ruộng lúa rồi có làng xóm, đường nối làng xóm, cầu nối đường, năm tháng nối cuộc sống, người nhà quê quây quần bên sông bên ruộng, rồi làng quê thành xứ sở, xứ sở gieo vào trong lòng những đứa con của mình những nỗi niềm nhớ nhung chung thủy. Thụy nhớ ông nội cảm khái kể về câu chuyện của tổ tiên đào kênh chốn ‘đồng không mông quạnh’ vùng đất ‘lam sơn chướng khí’ từ thời vua Gia Long.

            ...Đào kênh trước, mấy kỳ khó nhớ
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Xông pha máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này
Quê cách trở, lấy ai hộ tống,
Sống làm binh, thác chống quỷ ma.
Than ôi, ai cũng người ta,
Mà sao người lại thân ra thế này?...

Kính rồi yêu, nhìn rồi quen, xa thời nhớ. Chắc vì thế người dân quê Thụy cứ thế mà đi không được ra ngõ lại về.

Đến gần chợ Tịnh Biên thì xe chết máy, mấy hành khách xuống xe nghỉ tạm chờ sửa xe. Thụy đi loanh quanh ngó nghiêng mấy quầy hàng sơn dược, thuốc nam. Chợ chiều đã vãng, người thưa thớt. Một ông già xách cái lồng chó con làm hắn chú ý. Dân xứ này ít khi mua hay bán chó, trong nhà nuôi chủ yếu là chó cỏ, khi sinh con thì trực tiếp cho bà con láng giềng. Trong lồng có 3 con chó con, một chó mực và hai con chó vện, giống như cùng bầy.

Hỏi chuyện mới biết, ông già là ông Út Mười, ở tuốt trong Kênh Trà Sư, thương thằng cháu ngoại bệnh mà nhà khó khăn nên bán chó giúp tiền cho con gái. 3 con chó lai lịch cũng không tầm thường là chó mun săn, cái mũi rất thính và khôn lanh, giống chó này thích hợp huấn luyện kết đội giúp chủ đi săn, nghe ông già nói chó mẹ còn từng cùng con trai ông săn được heo rừng.

Thụy nhìn 3 con vật còn nét tròn vo và lông xù đáng yêu đặc thù của chó con, đầu tam giác, tai nhỏ, đứng yên cụp đuôi, nhìn mình đầy lanh lợi trong lòng thấy thinh thích. Gặp chuyện thì giúp, huống chi mua thứ mình thích trong lòng lại càng thoải mái, Thụy quyết định mua về nhà cho đứa cháu nuôi, không nói chuyện đi săn xa xôi, giữ nhà, giữ bầy dê cũng tốt.

Trả tiền mua chó, cho ông Út Mười chút tiền về xe rồi xách lồng ra xe. Mấy con chó nhỏ nhìn theo ông già đi xa ăng ẳng kêu vài tiếng.

Xe sửa xong, mấy người hành khách lục tục lên xe. Thêm cái lồng chó trên xe càng có vẻ chật chội, mỗi người nhích vào một chút, nhưng không có ai phàn nàn gì. Ba con chó nhỏ không sợ người lạ, nằm trong lồng thò móng vuốt ra nghịch mấy sợi dây lạt thòng xuống từ mấy cái nong nia, thúng gánh trồng trên lồng chó.

Có người hỏi thăm mua mất bao nhiêu tiền, rồi chậc chậc “Ba con đều đuôi cụp khôn dữ lắm đây”. Người nhà quê hay bảo chó đươi cụp khôn lanh. Thụy thích những con chó mặt tam giác, tai nhỏ và vểnh, đuôi cụp nhìn hình dạng còn giữ lại đôi phần dã tính của chó sói, trung thành và còn giữ được cái bản tính hoang dã của núi rừng.

Xe đến chân núi gần 7h, trời đã tối hẳn. Thụy quyết định không nghỉ lại dưới chân núi mà lên núi đêm.

Xóm Núi có gần 30 hộ ở lưng chừng Thiên Cấm Sơn. Thiên Cấm Sơn cao gần 1.000m có nhiều đỉnh chỏm và hang  được lập điện, dựng thờ. Hàng năm nhiều khách hành hương về đây dâng hương cúng bái nên đường lên núi được sửa sang và giữ gìn tương đối tốt. Hơn ngàn bậc thang thẳng đứng với thằng Thụy công chức thành phố có vẻ quá ngán ngẩm, nhưng với thằng Thụy cùi cũi Xóm Núi thì bình thường như ăn một bữa cơm. Thanh niên, con nít xóm núi ngày nào cũng lên xuống vài bận đi học, đi gùi gạo lên núi, gùi trái cây xuống núi.

2. Hùng “đại ca”



Thụy lồm cồm bò dậy, chống tay, thấy đau điếng; “Con mẹ nó, xui, chắc gãy tay rồi”.

Chiếc xe máy trờ tới, dừng lại, người trên xe bước xuống, đỡ hắn đứng lên và hỏi thăm. Hắn kể sơ lược tình hình rồi sau đó luận lý thành chương: đi bệnh viện ah, đi bệnh viện ah, bó bột ah, bó bột ah, nghỉ làm ah... Dân văn phòng dùng cái đầu và cái miệng để làm việc là chính, tay phải bị thương không dùng chuột và bàn phím được thì có tay trái làm thay, nhưng hắn thuận tiện xin nghỉ luôn một tháng vì... hắn chán.

Một mình ở thành phố, trước giờ hắn ít khi thấy cô đơn, bạn bè, đồng nghiệp, hội nhóm, công việc vần xoay, loay quay thoắt cái thành 10 năm. 10 năm có khi là ngắn, có khi cũng đủ dài. Tết rồi về nhà thấy mấy đứa cháu lớn lên, thấy ba mẹ già hơn, trong lòng hắn nhen nhóm lên một nỗi niềm là lạ. Ba mẹ còn mấy lần 10 năm...

“Cộc... Cộc...” Có tiếng gõ cửa rồi Hùng bước vào. Hùng là người đưa hắn vào bệnh viện. Lúc mới gặp hắn đã ngờ ngợ, hóa ra thật sự là người quen. Thành phố lớn này gặp được đồng hương là hiếm lắm, gặp đồng hương từ thôn nhỏ như hắn lại càng hiếm. Xóm Núi làm nông bao đời, thôn xóm cách trở, đường xá xa xôi, nên người trong thôn ít ra ngoài làm ăn. Cả thôn có vài người được học hành tới nơi tới chốn, loanh quanh mấy thành phố lớn được vài năm rồi cũng về xứ sở.

Hùng lớn hơn hắn 3 tuổi coi như là bạn đồng lứa, học chung nhau mấy năm tiểu học, sau đó Hùng bỏ học được vài năm vào thành phố du đãng kiếm sống. Gần 20 năm không gặp hắn chỉ còn nhận ra được cái điệu cười rất sáng, giọng nói sang sảng và hơi cục của người cùng quê.

“Đỡ chưa? Chừng nào về?” Hùng hỏi.

“Chút nữa đến giờ làm việc, bác sĩ kiểm tra lại rồi xuất viện. Đi cafe” Ngoài cái tay bị gãy, còn lại tính ra hắn bị thương không nặng, bầm dập mấy chỗ, nằm truyền dịch và theo dõi 1 ngày là có thể “miễn cưỡng” được cho về. Bệnh viện cũng không giới hạn tự do, hắn có thể đi lòng vòng ngoài sân, hay trốn ra mấy quán cafe trước cổng hút thuốc.

Hai thằng hàn huyên câu được câu mất về gia đình, làng xóm, về cuộc sống mấy năm này. Hùng từ nhỏ mất cha, mẹ có gia đình khác, về sống chung với bà nội được vài năm thì bà cũng mất, còn lại một mình lang bạt đến thành phố này. Mấy năm trước cũng ‘quậy đục nước khu Bờ Kè’ giờ mở quán nhậu, vợ mất và có một con gái.

Thụy rít thuốc, trầm ngâm. Hắn cảm thán về cái thành phố tiêu pha hết hùng tâm tráng chí của thằng-người-trẻ ôm hoài bão lớn lao như hắn, cái thành phố mài mòn cái góc cạnh, ngông nghênh, bất cần của Hùng. 10 năm, thằng nông dân trong hắn ép mình núp sâu vào bên trong cái vỏ bọc hào nhoáng giờ kêu gào trỗi dậy. Hắn hoang mang không biết đây là một lần đấu tranh hay vùng vẫy trước cái chết.

Lúc đầu, hắn thấy thành phố này tốt lắm, mọi thứ đều thuận tiện, công việc kiếm tiền; nhưng dần dần cuộc sống tất bật của thị dân làm hắn ngột ngạt, chứng tự-kỷ-tuổi-30 làm hắn đắn đo, mà hơn cả là nỗi nhớ nhà và bản chất nông dân làm hắn áy náy...

“Giờ mày tính sao?” Hùng đột nhiên hỏi, hắn giật mình ngẩng đầu thoát khỏi trạng thái ‘thần du thiên ngoại’.

“Về quê nghỉ ngơi một thời gian rồi tính.”

“Không phải chuyện đó” Hùng hơi ngập ngừng, “Mấy thằng đánh mày bữa trước, tao biết tụi đó”

“Ah” Hắn ngạc nhiên “Tính gì, coi như xui đi.” Hắn trả lời dứt khoát, trong đầu xoay xoay lờ mờ tìm ra cách giải thích tại sao Hùng biết mấy thằng đó. Năm trước, thằng em họ gây chuyện ở một quán nhậu khu Chợ Cầu bị dần một trận nghe nói là đụng băng đảng của Hùng “đại ca”.

“Mày về quê khi nào lên lại thành phố ghé chỗ tao gặp mặt một lần, coi như hòa giải, hòa giải.”

Hắn cười cười, bắt đầu nhìn Hùng bằng cặp mắt khác, lại càng thêm cảm thán về sự-ma-người của cái thành phố này. Cũng đúng thôi, mài sắt thành kim, mài ngọc thành khí chớ không hẳn là như hắn nghĩ mài sắt thành con dao cùng. Bi ai, bi ai.

Buổi trưa, thủ tục xuất viện làm xong, hắn gởi xe, về nhà trọ sắp xếp hành lý rồi bắt taxi dông thẳng ra bến xe về quê. Hai ngày trước đã gọi điện cho công ty xin nghỉ phép và sắp xếp công việc, có mấy đồng nghiệp tới thăm; cô bé bị giật túi xách nhìn hắn rơm rớm nước mắt, đầy áy náy, lộn xộn nói xin lỗi, nói cám ơn. Hắn còn phải cười méo méo an ủi ngược lại cô bé “Tính, coi như xui thôi em, ít nhất được nghỉ ngơi một thời gian”.

1. Sự cố



Tháng sáu mưa. Sáng-ưng ửng, trưa-nắng chang rồi bỗng nhiên trời xám xịt đổ mưa như được lên dây cót. Thành phố chật chội, mưa mặc mưa, người thành phố cũng như được lên dây cót. Đi làm, đi làm, đi về, đi về... đi chơi, đi học, hay đi đâu đó ngoài đường, mưa mặc mưa.

Mưa trên phim hoặc lãng mạn, du dương níu kéo đôi tình nhân sát nhau hơn; hoặc buốt giá, đau đớn trong nước mắt của một phân đoạn chia ly... và dù thế nào đi nữa thì trên phim mưa chỉ làm nền cho câu chuyện chứ chưa bao giờ là câu chuyện  (hay nhiều câu chuyện) như cơn mưa ngoài đời.

Mưa ẩm thấp, chật chội và ngăn cách. Mưa khu nhà giàu làm đường sáng choang, đèn long lanh, làm những đàn ô nhiều màu bung tròn xoe, dập dờn bên vỉa hè của những tòa cao ốc. Mưa khu nhà nghèo làm cống tắc, đường ngập, dòng xe cộ ồn ào bắn nước tung tóe lên lề đường. Đẹp đẽ và xấu xa hiện rõ lên trên bộ mặt của thành phố sau mưa. Mưa làm người lạc quan thấy đời như trên phim, đẹp tươi lãng mạn cùng tình yêu, mưa gột rửa, siêu độ cho những tâm hồn đớn đau, mưa tiếp sức cho những hoài bão dở dang, những ước mơ đã từng sụp đổ. Cũng là mưa, nhưng với những người “nông dân” ngụ cư như Thụy ở thành phố này hoàn toàn không như vậy.

Hắn đang đi chầm chậm đến bãi giữ xe sau giờ tan tầm, trong đầu thầm nghĩ đến một cách nói thông dụng gần đây “trời mưa người ‘nông dân’ phải làm gì?!” khẽ mỉm cười, nụ cười méo méo. Hơn 10 năm bám trụ thành phố mong-đổi-đời-mà-chưa-được, thằng-đàn-ông-30-chưa-gia-đình đôi khi chợt nghĩ ngợi về cuộc đời, về nhân sinh lan man, vấn vương trong đầu mấy vấn đề cao đàm khoát luận.

“Két!” một chiếc xe phanh gấp ngay sát mặt, “Đụ mẹ, đi đéo nhìn đường” rồi vù chạy.

Hắn giựt mình, ngốc ngốc nhìn theo bóng chiếc xe chạy qua, thậm chí chưa thấy mặt người xém bị mình “tông phải”. Chợt thấy từ góc đường một chiếc xe máy khác đang rồ ga, chạy nhanh về phía mình, một đồng nghiệp đang loạng choạng; trong đầu hắn lóe qua một ý nghĩ... Khi chiếc xe vụt qua trước mặt, hắn đưa tay chụp lẹ cái túi xách trong tay thằng ngồi sau xe. Chiếc xe trợt bánh, chới với rồi ngoặt lẹ vào một con hẻm, trước khi khuất bóng hắn thấy ánh mắt “khó tả” của thằng ngồi sau xe nhìn mình.

Mấy đồng nghiệp và người đi đường hớt hải chạy tới, xôn xao hỏi thăm, ‘tường thuật’ - “Giựt đồ!”; “Có sao không?”; “Lấy lại được rồi!”... Thụy đưa túi cho đồng nghiệp, hỏi thăm, an ủi một lúc rồi vào bãi lấy xe.

Trời nhá nhem. Mưa lất phất, hắn không măc áo mưa, lên xe phóng nhanh về “ổ chó” của mình. 10 năm sống ở thành phố này, hắn ở trọ quen mặt ở gần hết các khu “ngụ cư” đông đúc chật chội trong nội ô, dọn đến dọn đi, cuối cùng, cũng ổn định ở một khu-mới-nổi ít đông đúc hơn ngoài ngoại thành, đi về mất hơn 1 giờ chạy xe. Được vài năm hắn cũng bắt đầu ngán ngẩm cái đoạn đường đi đi về về 1 giờ dằng dặc này.

Mưa hơi nặng hạt hơn, mấy người dừng lại bên lề mặc áo mưa, xe buýt, xe máy, xe hơi bóp kèn inh ỏi. Kẹt xe. Nhiều vấn đề rối rắn cứ hay kết thúc một cách đơn giản và hiển nhiên và gây nhiều khó chịu như vậy. Hắn lầm bầm chửi thề rồi quẹo xe vào hẻm nhỏ, hai ba chiếc xe trờ tới, luồn lách theo hắn.

Hẻm tối nhờ nhờ, mấy ngọn đèn đường nhỏ nhoi bị tán cây ướt sũng che, ánh sáng vàng nhạt run run dưới mưa lấp loáng. Hắn lách tới lách lui tránh máy vũng nước và ổ gà bùn đất sệch sệch. Một chiếc xe ép sát vụt qua, rồi chặn ngay trước đầu xe hắn, một chiếc khác trờ lên cập hông. Hắn hơi giựt mình, thắng gấp, rồi giảm tốc độ, chiếc xe đằng trước rồ ga lao vào một vũng nước lớn, nước bắn ướt mem người hắn, kể cả 2 thằng “đồng nghiệp” của chiếc xe đàng trước. Hai chiếc xe giảm tốc, ép dần hắn vào một góc khuất hơi tối.

Lờ mờ biết chuyện gì đang xảy ra, hắn kiên quyết dừng xe, rút khóa, rồi đạp mạnh vào chiếc xe cập hông của 2 thằng đang loay hoay xuống xe. Hai thằng ngã nhào xuống, lồm cồm đứng lên, chiếc xe đàng trước 2 thằng lao lại, một thằng cầm gậy.

“Đánh lớn rồi đây!” hắn thầm nghĩ trong đầu, nhặt lên một cục gạch bên lề, chụp mạnh vào thằng cầm gậy. Hụt! Hắn xoay người phang luôn cục gạch vào đầu một thằng và dính một gậy vào cườm tay.

“Đụ mẹ mày, muốn làm anh hùng hả con!” Một thằng vừa chửi vừa lao lên thụi vào bụng hắn. Hai thằng khác ép sát, cặp tay hắn lại. Hắn lại vùng ra, một cước hết sức bình sinh đạp vào gối thằng đang lao tới. Rắc! Lại dính thêm một gậy vào tay phải, đúng ngay chỗ vừa bị đánh. Hic, gãy tay hay bể đầu không cần nói ai cũng biết cái nào hậu quả tệ hơn.

Mất đà, hắn ngã xuống đường, ôm đầu, ăn thêm mấy đạp và một gậy buốt xương ngay tay phải. Trời vẫn mưa, vẫn tối, vẫn vắng tanh, mấy cái cửa sổ của ngôi nhà đàng xa đóng im ỉm, hắn cắn răng không la, vì hắn biết khi anh-hùng-sa-cơ thì câm miệng lại sẽ đỡ bị đánh vài hèo.

Đánh đã nư, nghe đầu hẻm có tiếng chiếc xe đang chạy, 4 thằng côn đồ phắn lên xe quăng thêm một câu “Chừa nghe thằng chó” và... lủi.