Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Giới thiệu - Mục lục

[Tên truyện]: XỨ SỞ



[Thể loại]: nông thôn, kỳ bí,...

[Nội dung]: chàng thanh niên tên Thụy là một người con vùng núi, chán cuộc sống bôn ba thành thị nên trở về quê sinh sống và những câu chuyện ly kỳ...

[Bối cảnh]: Thời gian: 200x, Địa điểm: Vùng Bảy Núi-An Giang (thời gian và địa điểm hầu hết có tham chiếu thực tế nhưng để có không gian rộng cho sự "hoang tưởng" của mình nên nhiều chi tiết, con số sẽ bị phóng đại hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình tiết câu chuyện. Xin vui lòng tha thứ.)

[Nhân vật]:

 - Thụy và các "bô lão": ông Sáu Trực, bà Sáu Trực, ông cả Phu, ông Hai Mẹo, bà Hai Mẹo, ông Năm Võng...

 - Thiếu niên nhi đồng: Long "mập", Thủy "điệu", Thảo "đen",...

 - Động vật hoang dã và bán hoang dã: Đen, Nâu, Đốm, Tề Thiên, Mai, Mun, Tiểu Bạch, Điệp, Điêng và đồng bọn...

 - Hùng "đại ca", Dũng "lò rèn", ông Cường "trưởng ấp"...

 (còn cập nhật tiếp...)


MỤC LỤC:

1. Sự cố

2. Hùng “đại ca”

3. Đường về Xóm Núi

4. Lên núi đêm – Gặp gỡ thoáng qua

5. Truyền thuyết Ông Hổ

6. “Long tranh Hổ đấu”

7. Thanh âm quê nhà

8. Ông nội “coi” chó – Tuyệt chiêu của mẹ

9. Khỉ xóm núi

10. Tề Thiên soi gương

11. Câu chuyện trên đường đi (1)

12. Câu chuyện trên đường đi (2)

13. Câu chuyện trên đường đi (3)

14. Ông Năm Võng

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

16. ‘Mối thù’ của anh Ba và con Điệp




Nhưng mà con Điệp lại là một tồn tại khác. Khác hẳn à nghen!

Chim bìm bịp giỏi bắt rắn và chăn rắn thì xứ này ai cũng biết. Loại chim này thường sống định cư một chỗ, hay làm tổ thấp khoảng 1m, 2m trong bụi rậm gần sông suối, đầm lầy, ăn mồi sống và cả xác chết thối rữa, thích nhất là ăn rắn, nghe đồn chúng còn có chiêu bắt rắn về ‘giam lỏng’ để ăn dần.

Vườn thuốc chùa Phật Nhỏ um tùm che dấu không ít rắn lớn rắn nhỏ. Có lần ông Năm Võng bị rắn cắn, dù không sao nhưng mấy đệ tử ngẫm Thầy Năm đi đứng bất tiện, đêm hôm ở chùa một mình lỡ có chuyện gì thì không hay nên mới nghĩ cách trừ rắn. Có người đề cử bắt chim bìm bịp, thế là có người chạy tuốt vô nhà người quen trong Rừng Tràm Trà Sư mượn chim mồi, lại nếm-mật-nằm-gai một buổi chiều thời bắt được con Điệp. Lại loay hoay huấn luyện ròng rã tháng trời thì có thể thả con Điệp ra khỏi lồng. Nó xuất quan kèm theo 2 tuyệt kỹ bắt rắn và giữ nhà. Bắt rắn với con Điệp là bản năng cũng không cần huấn với luyện nhiều ít, còn giữ nhà thì lại là một cơ duyên bộc phát và có sự lao tâm khổ tứ của mấy thằng đệ tử của Thầy Năm.

Số là tính con Điệp dữ dằn mà chùa Phật Nhỏ ban ngày đông đúc khách thắp hương, đệ tử ông Năm Võng, hàng xóm, con cháu... nên nó không thiếu bị chọc ghẹo. Một bữa nọ, tức nước thì vỡ bờ rồi, nó nổi điên lên lao vào tấn công đám con nít dám trộm nhãn của chùa lại còn ăn rồi dùng hột nhãn chọi nó. Đám đệ tử thầy Năm Võng hả hê a. Đám quỷ nhỏ xóm này nổi tiếng ‘lì và lẹ’, làm chuyện xấu bị phát hiện là chúng bỏ chạy tứ tán, có trời mà bắt được. Lần này gặp khắc tinh, tụi nó chạy, còn con Điệp bay, ai nhanh hơn khỏi nói cũng biết. Thế là từ đó mỗi lần con Điệp la hét, đuổi đánh đám ‘quỷ chùa’ kia lại được mấy đệ tử thầy Năm tán dương bằng cách thưởng đồ ăn cho nó. Riết rồi thành phản xạ có điều kiện, hễ thấy người-lạ hoặc trộm-quen là con Điệp la hét cảnh báo trước, nếu không nghe là nó quoằm ráng chịu.

Lãnh thổ con Điệp bây giờ bao quát cả vườn trước, vườn sau chùa Phật Nhỏ. Ý thức lãnh thổ của nó mạnh vô cùng, hễ có vật-thể-lạ bất kể là người hay rắn dám mò vào phạm vi của nó mà không được Ông Năm cho phép là nó xông xáo bay lên chiến a chiến, khô máu cũng chiến. Ông Năm sợ nó làm bị thương người ta mới rầy la, mấy thằng đệ tử lảng lảng giả điên trốn tránh, còn con Điệp ngu ngu phạch phạch cánh, ưỡng ngực khoe thành tích; sau đó thì đâu lại vào đấy. Ông Năm bó tay, với lại trước giờ chưa có hậu quả nghiệm trọng gì xảy ra nên riết rồi ổng chẳng buồn nói nữa.

Anh em, cậu cháu nhà Thụy hồi giờ nhìn con Điệp bằng ánh mắt nói chung là ít khắc khe hơn cái tình-ghét dành cho giống loài của nó. Con Điệp, với con Mai nữa, giống như là một mối ký thác của người nhà và đám đệ tử của ông Năm Võng. Đầu hôm sớm mai, ông Năm một mình chùa Phật Nhỏ nào có ai dám yên tâm. Ông Năm Võng lại cứng cỏi không thích phiền hà người thân, nên nuôi tụi nó trong chùa coi ngó lại hủ hỉ chọc cười ông Năm cầu lấy sự yên lòng.

Nhưng mà anh Ba thì khác, ảnh có ân-oán-tình-kết với con Điệp. Mà không phải một, nói mười không tới chứ lý do cũng phải có ba bốn cái. Cái số 1 ai cũng biết rồi, anh Ba hiền khô, cục mịch (nhiều Thụy thấy còn khờ hơn cả Thảo-đen) nên ghét ai ghét cả đường đi lối về, ảnh không ưa cái thứ chim bầy hầy hôi rình không trọng chữ tín đó (con Điệp: không trọng chữ tín hồi nào trời?!).

Cái số 2 mới mắc cười, anh Ba mê cải lương; chuyện đó hết sức bình thường với dân miền này a. Mê nhất tuồng 'Lan và Điệp'; cái này cũng bình thường thôi, nhiều người cũng thích tuồng này như ổng. Thần tượng nhân vật Điệp, chả nói tại vai này nghe nó mùi, Thụy nghe vậy cũng ‘ừ’, nhưng thầm nghĩ trong bụng “... mới là lạ, chắc mẩm là chả đồng cảm với cái tính tình khờ khờ ngốc ngốc bị lừa gạt xoay quanh mà thủy a chung, son a sắt của ông Điệp”.

Thế nên lúc cả nhà (chùa) đặt tên cho con Điệp (là Điệp ^^) là anh Ba giãy nãy. Ảnh thấy làm vậy thiệt là xúc phạm tình cảm của quần chúng nhơn dân yêu cải lương, nhưng mà hổng có ai quan tâm tới ổng hết. Cả ông Năm Võng cũng gật gù khen đặt tên đó là đúng rồi. Con chim mà biết kêu, biết hót thì bình thường, nhưng mà con chim kêu chữ ‘Điệp’ rõ mồn một như vậy thì thiệt đáng quý, đáng lấy cái chữ đó làm kỷ niệm, mà cách kỷ niệm nào tốt hơn là lấy luôn chữ đó đặt tên cho nó.

Anh ba gân cổ cãi bướng “nhưng mà nó là chim mái, chim mái a, ai mà đặt con gái tên Điệp, nó kêu ‘Điệp, Điệp’ sao không đặt nó tên Lan, Huệ, Thúy Liễu gì cũng được.” Cả nhà (chùa) ngó lơ, tập thể cười khẩy trong bụng. Thảo-đen láo táo, lý sự “Hồi trước Điệp đi vô chùa tìm Lan, giờ con này (chỉ chỉ) cũng ở trong chùa nên mình kêu nó tên ‘Điệp’ đi ba, cho nó thỏa lòng mong ước”. Cả đám đệ tử thầy Năm Võng cười rần rần, ông Cả Phu tủm tỉm mượn thang của thằng cháu cố kết thúc câu chuyện “Thằng Thảo nói có lý, quyết định vậy đi, kêu nó là Điệp.” Anh Ba tắt tị, trừng mắt thằng con một trận muốn đui mù rồi! ^^

Ông bà nói ‘kẻ thù gặp nhau hết sức đỏ mắt’. Từ sau bữa đặt tên là anh Ba không ưa con Điệp rồi. Con Điệp thấy mình oan hết sức, rõ ràng nó bị giận cá chém thớt, thế nên ban đầu cũng hết sức nịnh bợ lấy lòng anh Ba, nó cũng biết trong nhà (chùa) ai là Đại sư huynh a. Nó xin ăn, anh Ba ngó lơ; nó lẽo đẽo theo gọi làm quen, anh Ba xua tay đuổi đi; nó bắt rắn cho, anh Ba không cần... nên nó làm một chuyện hết sức sai lầm khiến cho ‘thù càng kết càng sâu’ đó là mổ đùa con Thanh Xà của anh Ba nuôi làm cho con rắn ngẻo củ tỏi. Bị anh ba rượt bứt lông đuôi, nó cũng quê rồi, thiên hạ không lý nó lẽ nào nó mặt dầy theo miết, thế là nó trở mặt. Sau lại, trong chùa, ai nó cũng thuận thảo, ngoan ngoãn chỉ trừ có anh Ba là đối tượng chọc phá, nghịch ngợm của nó. Anh Ba cũng không vừa, hễ có dịp là thuận miệng chen vào xỏ xiên nó. Đề tài liên quan tới ‘mối thù’ của anh Ba và con Điệp còn làm chuyện cười cho đám đệ tử thầy Năm suốt một thời gian dài trước đây và sau này.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

15. Sự tích con chim bìm bịp



Con Mai nhìn có vẻ là một đứa con (khỉ) gái nề nếp gia phong, mặc váy hồng phấn và không mặc quần (dĩ nhiên), leo trèo nhẹ nhàng, đi đứng khoan thai đúng như giới tính của nó. Nhưng chỉ có người trong nhà Thụy và con Tề Thiên mới biết nó dữ dằn cỡ nào. Nó nhận chùm dâu, bẽn lẽn cười nói-cám-ơn (nếu Thụy phiên dịch đúng như vậy), từ tốn bứt một trái, từ tốn đưa lên miệng, cắn, rồi bỗng nhiên bộc phát bản chất. Nó nó nhảy dựng lên, chí chóe liên hồi làm con Tề Thiên hoảng hồn tót lên trên cây nhãn ngồi cười khằng khặc.

Con Mai bứt mấy trái dâu còn lại ném a ném. Tề Thiên né a né; chịu chết a, nó không dám hái nhãn ném lại, không thì tét đít với ông Cả Phu. Con Mai càng ném càng hăng còn Tề Thiên thì càng né càng buồn bực, nó loay hoay tìm thứ gì có thể làm đạn dược để ăn miếng trả miếng với con Mai. Đạn tìm không thấy nhưng nó tìm thấy viện binh.

Binh pháp có dạy... e hèm, mà binh pháp cái khỉ gì, nó là một con khỉ a. Nói chung là trong chiến tranh khi một bên bị một bên đơn phương đàn áp không có sức kháng cự (vì thực lực kém, vì mất tiên cơ... gì gì đó) thì tự nhiên là phải tìm và lôi kéo viện binh. Viện binh mà con Tề Thiên nhìn thấy là cái ổ chim, bờm xờm, dơ hầy treo thấp chủm chỗ lùm mai sát mé hàng rào. Còn cách lôi kéo viện binh hả? Dễ òm, vô cớ bị tấn công ai mà không điên a.

Thấy được mục tiêu, Tề Thiên thay đổi chiến thuật, một bên né tránh một bên thoăn thoắt quăng mình chuyền về mé tổ chim. Con Mai chọi sướng tay rồi, hết trái dâu rồi tới mận rụng, nhặt nhặt, đuổi đuổi, ném ném. Bỗng một tiếng thét khàn đục rít lên “Điệp!!!” Con Điệp lên sân khấu...

Anh Ba của Thụy từng nói “thiệt là xúc phạm tiền nhân, thiệt là xúc phạm người mê cải lương, thiệt là xúc phạm hết sức...” khi lấy tên nam nhân vật chính kinh điển đặt tên cho cái con quái quỷ, dữ dằn, hư thân mất nết đó. Ah, con đó là con Điệp, hơn nữa là một con chim, con chim bìm bịp.

Số là anh em nhà Thụy không mấy thích giống chim này, một phần bộ lông xấu xí, hôi hám, tiếng kêu trầm đục khó nghe, nhưng lý do chính mà chúng nó bị tẩy chai lại hết sức hồn nhiên: tại sự tích con bìm bịp.

Hồi xưa, có nhà sư ăn chay, niệm phật lâu năm rồi vẫn chưa thành chánh quả. Bữa nọ ổng mới khăn gói (thật ra là cà sa, bình bát) lên đường tìm Phật ‘chất vấn’.

Trên đường đi nhà sư bị một tên tên tướng cướp ác ôn chặn đường đòi dánh cướp. Nhà sư mới từ tốn khuyên bảo tên cướp rằng mình tứ đại giai không, không có tài sản của cải gì, lại giảng kinh sám hối, giảng luật nhân quả, giảng lẽ luân hồi cho tên cướp nghe cả-ngày.

Tướng cướp ăn năn, buông đao quỳ xuống quy y, xin nhà sư nhận làm đệ tử. Nhà sư mới bảo “Con người ta tu cốt ở con-tim-chân-thực, nếu lòng con đã hối cải thì Phật sẽ biết tới. Ta không nhận con làm đệ tử được vì ta đang trên đường đi gặp phật tổ.”

Tên cướp nghe vậy khẳng khái nâng đao lên, vạch ngực lấy ra trái tim dâng cho nhà sư và nói “Con làm chuyện ác bao nhiêu năm, nay nghe thầy giảng mới ngộ ra, con đã ăn năn sám hối, nếu thầy gặp Phật tổ xin cho con gởi trái-tim-chân-thực của con cho người.”

Nhà sư muốn ngăn nhưng đã muộn rồi, mới chôn cất tên cướp, đọc kinh siêu độ rồi mang theo trái tim tiếp tục cuộc hành trình.

Qua một ngày, trái tim bắt đầu nặng mùi, nhà sư mới dùng lá cây gói kỹ lại mang đi.

Qua ngày thứ hai, trái tim thối rữa, mùi hôi nồng nặc, ruồi nhặng bu đầy, nhà sư vẫn kiên nhẫn mang đi.

Đến ngày thứ ba, trái tim sinh giòi bọ lúc nhúc, máu mủ chảy nhớp nháp, mùi thối huân thiên, nhà sư mất kiên nhẫn, oán mình oán người, giận hờn trong lòng thầm nghĩ “Tu gì thằng ăn cướp”, rồi tìm bờ lau lách um tùm ven sông vứt xuống trái tim.

Trái tim rơi vào trong nước, nổi lềnh phềnh, nước ngấm vào phát ra tiếng ‘bìm bịp, bìm bịp’.

Cuối cùng, sau nhiều năm, qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, một ngày kia, nhà sư cũng gặp được đức Phật.

Phật ca ngợi công đức của nhà sư đã làm từ trước, cuối cùng Phật mới hỏi “Trên đường con đến đây, có ai gởi gì cho ta không?”

Nhà sư ngẫm nghĩ lúc lâu mới nhớ ra “Thưa đức phật, trên đường đi có tên tướng cướp gởi một trái tim dâng cho người, nhưng con thầm nghĩ nó đã thối rữa sao có thể dâng lên cho đức ngài nên đã ném nó rồi.”

Đức Phật trầm ngâm thuyết “Mặc dù con tri đạo, hành thiện tích đức, công đức cao dày, nhưng chưa ngộ căn nguyên. Nay con về tìm trái tim kia, tìm được rồi tức thời thành chánh quả.”

Nhà sư tỉnh ngộ, bèn quay lại đường cũ, dọc bờ lau lách tìm lại trái tim mình đã vứt đi, mà nào có thấy.

Một ngày kia, nhà sư chết hóa thành con chim bìm bịp, chiếc áo nâu hóa thành màu lông trên lưng, luồn lách hết bờ lau này qua bờ sậy nọ nơi bến sông, đời đời kiếp kiếp kêu nước lớn nước ròng tìm lại cho được trái tim.

Vậy đó, anh Ba ‘con nhà nòi’ Miền Tây thứ thiệt, ghét thứ-người-nói-không-giữ-lời, nên ghét loại chim bìm bịp. Mấy năm rộ phong trào ngâm rượu thuốc chim bìm bịp với rắn, ổng còn lầm bầm “Cho mấy cha nhậu ngâm rượu hết cho rồi, thứ gì vừa dơ vừa hôi”. Thảo-đen nghe ba nói, gật gù phụ họa “Ừm, dơ thì phải hôi thôi!”. Ông Cả Phu vuốt đầu thằng cháu “Cha mày, biết gì mà nói leo”. Anh ba trợn trắng.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

14. Ông Năm Võng



Mấy tia nắng sáng đầu tiên đã bắt đầu chiếu trên những tán cây cao nhất của đỉnh vồ, sương loãng hơn, từ đàng xa, trong bóng mờ, có thể thấy được đầu non ửng lên mấy tia vàng lấp lóe. Thụy và ông Cả Phu quẹo qua khúc quanh bước vào chùa Phật Nhỏ. Con Tề Thiên đứng trong gùi với tay hái mấy trái dâu bên đường, nhe răng cạp lớp vỏ xanh rồi nhăn mặt vì chua, thuận tay vứt xuống gốc cây. Thụy trừng, nó bẽn lẽn rụt người núp xuống trong gùi, chỉ để lộ ra đỉnh đầu và cặp mắt ‘ai oán’ nhìn Thụy.

Ông Năm Võng đang thắp nhang ngoài bàn thờ ông thiêng, nghe ông Cả Phu và Thụy cất tiếng thưa ngước lên trả lời “Đi núi hả bây? Thằng Thụy về hồi nào đó?”

“Dạ, con lên núi hồi tối.” Thụy nhanh nhảu trả lời, mắt liếc nhìn con Tề Thiên từ trên gùi phóng xuống, mở cửa điện thờ, chạy gấp gấp vào trong. Thụy biết tổng là nó đi tìm con Mai. Con Mai, bạn gái Tề Thiên, là con khỉ ‘gái’ ông Năm Võng nhặt được hồi 3 năm trước nuôi tới giờ.

Ông Năm Võng là con nuôi của ông sơ của Thụy. Tổ tiên của ông quê miệt Sa Đéc, nổi tiếng nghề y; thời giặc giã loạn lạc, đi theo nghĩa quân của Đức Cố Quảng chống Pháp, dọc đường hành y cứu người rồi neo đậu xứ núi này. Gia đình Năm Võng ba đời một dòng độc đinh, sớm mồ côi cha mẹ, ông lại có ơn cứu mạng với ông sơ của Thụy là ông Hương Cả Thung nên được nhận làm con nuôi. Thời trẻ ông lưu lạc học võ nghệ trên núi Tà Lơn bên Miên, sau đó về xứ, đi lính được mấy năm, bị thương rồi về lại quê nhà, định cư trên núi, cưới vợ sinh con. Cha già con muộn, tưởng đâu nuôi con lớn lên dựng vợ gả chồng là sắp hưởng phước tuổi già ai ngờ tai nạn sập xuống ngỡ ngàng cướp đi hết thảy. Ông Năm mông, cả cái Xóm Núi cũng mông rồi. Chuyện buồn đau của ông cũng là một truyền kỳ nhưng người Xóm Núi này ít ai nhắc tới. Từ hồi vợ con ông Năm mất, ổng sống một mình chăm lo hương khói ở chùa Phật Nhỏ. Ông Năm lớn tuổi rồi Ba và mấy chú Bác của Thụy muốn rước về nhà phụng dưỡng ổng chỉ thở dài “Số tao cô độc, không đặng sống gần người thân”...

Ông Năm Võng hào sảng, sốt sắn, thấy việc nghĩa không từ lại đặng võ đặng văn nên ba xóm bốn làng xung quanh đều nghe danh kính trọng. Ông giỏi võ lại có biệt tài bẫy thú bằng lưới săn thần sầu, chỉ cần một cán sóc, một cái lưới gai, ổng dám vào rừng một mình săn lợn rừng, đánh hổ nên đặng cái biệt danh ‘Năm Võng’. Đám thanh niên Xóm Núi, gái cũng như trai, từ thời ông Cả Phu tới thời của Thụy, 8 phần đều thọ giáo qua lớp võ của thầy Năm Võng. Kiểu đệ tử chân truyền như anh Ba của Thụy thì một đường săn mây ‘toàn xóm’ không địch thủ...

Mà dân xứ này nhiều người biết tiếng và kính trọng ông Năm, già trẻ gái trai đều tôn kính gọi ông một tiếng Thầy lại bởi vì một tay bốc thuốc cứu người của ông. Từ hồi trước giải phóng, điều kiện chữa bệnh còn lạc hậu, đường xá đi lại khó khăn, dân chúng vùng Tri Tôn, Tịnh Biên rất nhiều người tìm lên núi Cấm tìm Thầy Năm hốt thuốc Nam trị bệnh, cho tới giờ Tây Y phát triển vù vù, bệnh viện, trạm xá khang trang, đường lộ lớn liền một mạch tới thị xã Châu Đốc, cũng không hề thiếu người đến cầu y. Không biết tại Thầy Năm Võng mát tay hay nghề, hoặc có thể là vì cái lẽ ‘thuốc Nam trị người Nam’ mà thuốc bốc bệnh lành. Nhiều người tận miệt U Minh hay xứ Miên bị bệnh nan-y-bác-sĩ-chê, van vái tứ phương cầu may đến gặp thầy Năm lại khỏi hẳn.

***

Ba ông cháu ngồi ngoài ghế đá uống trà ngoài sân liên thiên chuyện người chuyện đời. Ông Năm ‘coi’ cái tay cho Thụy. Tối qua lên núi vận động mạnh lại bị thấm nước nên thạch cao bị nứt ra và hơi ngứa, về tới nhà rồi Thụy cũng ngại đi ra lại thị xã kiểm tra, thế là ông cháu ‘thống nhất’ nhau gỡ bột sớm: “Động xương cốt 100 ngày mới lành hẳn, nhưng tay bây bị nhẹ, bó thuốc 1 tuần là gỡ nẹp, cử động nhẹ như thường”.

Ông Năm Võng xoa nắn chỗ gãy bằng rượu thuốc, giã nát lá bìm bịp với muối hột rồi dùng vải mùn quấn quanh chỗ bị thương, lại lấy gốc cây mía đen dài bằng cườm tay chẻ làm bốn, loát qua bằng rượu thuốc rồi nẹp vào cố định chỗ xương gãy, cố định lại một lần nữa bằng vải mùn là hoàn công. Cả thảy chừng 10 phút, Thụy một bên nhìn chăm chăm động tác lanh lẹ, chuẩn xác, nhìn gút cột chắc chắn, xinh đẹp của cụ cố gần 100 tuổi một bên cảm khái không thôi “Ông Cố đúng là bảo đao chưa mòn ah”.

Ông Năm vừa làm lại vừa rề rà câu chuyện xưa “Bìm bịp là thứ tốt đa. Hồi xưa dân miền núi đi rừng, trèo đèo lội suối, bị thương tật, gãy tay trật chân chỉ biết nắn lại cho đúng vị trí rồi cố định chờ lành. Trong nhà có người bị gãy tay chân là mất một công lao động cả 2, 3 tháng trời, bị nặng thời mất sức là nhẹ có khi mất mạng luôn chứ chả chơi. Chỗ bị thương đã lâu lành, khi lành lại yếu ớt, không được như trước. Có ông thầy lang vùng nọ cứu con chim bìm bịp non bị đám trẻ con trong xóm bắt chơi, thấy con chim bị gãy chân, ổng mới nắn lại rồi bỏ vào ổ. Chiều đó, con chim bìm bịp mẹ về tổ thấy con bị thương mới cắn lá cây đắp cho chim non. Mới có mấy ngày chim con chân lành, ra tổ chạy nhảy như thường. Thấy tác dụng thần kỳ của cái lá cây nọ, ông thầy lang mới thử dùng trị cho người, từ đó người ta mới dùng luôn cái tên ‘bìm bịp’ gọi cho cái cây kia. Ngoại trừ bó gãy xương trật tay, bìm bịp còn trị khớp, trị loét bao tử thần sầu đa. Nhưng mà không có rượu thuốc của ông thì công hiệu chậm mất 3 phần.” Nói dứt, cột cái nút cuối cùng rồi xoa xoa đầu Thụy “Mới bó hơi đau a, hai ngày một lần bây tới đây ông thay thuốc, ba bốn lần là bỏ nẹp được”.

Thụy cười ‘bẽn lẽn’, hắn 30 tuổi mà ông Nội với ông Cố cứ xoa đầu, xoa đầu, nhéo tai, nhéo tai cứ như còn 3 tuổi a. Nhưng dù sao, thích! ^^

Thú thật, ban đầu Thụy cũng không mấy tin về tiến-độ-lành-siêu-tốc như vậy a, hắc mặc kệ nghĩ “dù sao nứt xương nhẹ thì nẹp tay cố định cũng tự lành”. Bó thuốc xong cảm thấy man mát do rượu bay hơi, sau đó là cảm giác hơi nóng và nhột nhạt như kiến bò khiến trong xương Thụy bất ngờ về tác dụng nhanh chóng của thuốc. Sau mấy ngày thì Thụy phục rồi, tới lần thay thuốc thứ hai lần thì cảm giác ê ẩm của vết thương dứt hẳn, mấy ngón tay đã cử động linh hoạt. Nhưng đó là chuyện kể sau.

Còn bây giờ, Thụy rót chén trà ngồi một bên nghe ông Cả Phu và ông Năm Võng nói liên thiên chuyện thời tiết mùa màng và xem ...diễn hài. Con Tề Thiên đưa cho con Mai chùm dâu chua nó hái khi nãy chưa kịp vứt và chí chóe nói gì đó chỉ có hai đứa hiểu. 

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

13. Câu chuyện trên đường đi (3)



Ông Cả lấy điếu thuốc rê vắt trên vành tai, mồi lửa, rồi chậm rãi giảng giải: “Ông Bạch Hổ được thờ là Hộ Thần của Thiên Cấm Sơn. Bạch Hổ chủ sát tọa trấn hướng Tây, đứng thế đất cao, ngăn chặn thuồng luồng phương Bắc. Ông bà xưa truyền lại rằng mỗi một đời người thì có một đời ông Bạch Hổ giữ núi. Cứ cách khoảng một giáp (60 năm), vào 'năm Thìn bão lụt', nước lớn, mưa nhiều, thuồng luồng phương Bắc ăn theo mạch nước ngầm phương Nam trốn ra biển Đông để hóa rồng; tới Thất Sơn thời bị ông Bạch Hổ và hai ông phó thần Hắc Hổ chặn đánh. Ông Bạch Hổ làm tròn nhiệm vụ rồi tạo hóa. Hai ông Hắc Hổ một đực một cái sẽ sinh ra Bạch Hổ con. Đến khi Bạch Hổ mở mắt thì hai ổng bái thiên rồi quy ẩn núi rừng. Hai ông Hắc Hổ mới sẽ từ sơn lâm đến tìm và đi theo ông Bạch Hổ làm người thủ hộ sơn lâm suốt một giáp tiếp theo. Hễ mỗi lần ông Bạch Hổ mới xuất thế thì người có duyên sẽ thấy mấy ổng ‘bái thiên’ trên đỉnh vồ Thiên Tuế.” 

(Tuổi thọ trung bình của loài hổ trong tự nhiên là khoảng 10-20 năm)

“Không phải ông Bạch Hổ là thần sao nội? Sao ổng lại chết đi? Mà có ai chính mắt thấy ổng chưa nội? Có khi nào ổng thất bại...?” Những nghi vấn và hoang mang trong lòng Thụy sau khi nghe chuyện lại càng dâng lên như sóng cồn, Thụy buột miệng thành một mớ câu hỏi cho ông Cả.

Ông Cả nhìn Thụy, ngạc nhiên không thôi về thái độ kỳ lạ bữa nay của thằng cháu, “Nội không biết..., chuyện xưa ông bà kể lại, không biết mấy người tận mắt thấy, ông cố Năm bây có khi biết...”

Ông lại thở dài, trầm ngâm, sắp xếp lại trong đầu những suy nghĩ và lý giải của mình rồi chậm rãi ‘dạy dỗ’ thằng cháu: “Dân mình trước giờ dựa vào sơn lâm mà sống. Từ hồi ông cha xưa theo lời dạy Phật Thầy khai hoang, dẫn nước thời núi rừng che gió chắn mưa, hồi theo Đức Cố đánh giặc, giữ nhà thời núi rừng là nơi trú ẩn, cho tới bây giờ đồng ruộng bạt ngàn, một năm lúa làm 3 vụ, dân cư đông đúc, làng mạc quây quần cuộc sống cũng không tách khỏi núi rừng. Chỗ chở che, dựa dẫm, chỗ cội nguồn mình sinh ra lớn lên lại là chỗ mình quy túc lúc về già, nên kính nên yêu, rồi thành linh thiêng. Ông Bạch Hổ thủ hộ cái chỗ dựa linh thiêng đó nên trong lòng người ổng là thần. Ông Hộ Thần Bạch Hổ chẳng phải là một ông Bạch Hổ cụ thể nào, mà là cái tượng đài dân mình tín ngưỡng và truyền thừa qua nhiều thế hệ, diệt rồi lại sinh, đời này qua đời khác, hễ sơn lâm còn thời ổng còn, mà lòng mình tin thời ổng có. Đó là lẽ tồn tại của ông Bạch Hổ.”

“Lại nói, thứ gì tồn tại trên đời cũng có lẽ riêng của nó, con thuồng luồng tu ở đáy sông cai quản thủy vực, con người xâm phạm chặn nước ngăn đập tước đoạt điều kiện sống thời nó phản kháng cũng là lẽ bình thường. Ông Bạch Hổ tu trên núi, thủ hộ sơn lâm lại là lẽ tồn tại riêng của ổng, dẫu tiền thế ổng tạo hóa thì lại có hậu nhân. Có thắng thời có thua, thắng thời mưa thuận gió hòa, thua thời bão giông lụt lội, dân mình dẫu có chịu mất mát tang thương thì một phần cũng là cái quả phải trả. Nhân quả tuần hoàn, gieo nhân thời gặt quả. Trồng cây thời được rừng, khai hoang thời được ruộng. Như hồi xưa ông bà mình làm lúa mùa, mỗi năm một vụ, mùa nước lên tràn đồng cây lúa ngoi nước mà sống. 6 tháng làm, 6 tháng cho đất nghỉ, nhờ nước lũ rửa phèn, nhờ nước lụt bồi đắp phù sa. Thu hoạch không được bao nhiêu, mà chắt chiu vun vén cho đất. Đói lòng thì lên rừng hái trái, xuống sông bắt cá, cũng sống được qua ngày. Giờ năm làm 3 vụ lúa thần nông, đất không biết nghỉ, xài phân xài thuốc mà sâu bọ ngày càng nhiều, đất ngày càng bạc. Gạo trắng lại không thơm, gạo dẻo mà chẳng bùi, gạo nhiều mà không quý. Không vén không vun thì đời con đời cháu tụi bây còn lại được gì?!”

Ông Cả thở dài, Thụy cũng thở dài, nghĩ thầm ‘Nội lại bắt đầu cảm khái, thở than a’. Hắn cũng lờ mờ hiểu những gì ông nội cảm khái, nhưng biết sao được, mỗi thời mỗi khác, gieo nhân thì gần, mà gặt quả lại quá xa, thời này cuộc sống thay đổi từng phút từng giờ, ai kịp ngồi đắn đo cái nhân đời này, cái quả đời sau. Quan trọng hơn là Thụy giờ đang miên man với hình ảnh ông Bạch Hổ, về truyền thuyết, về lý giải của ông nội... Lần đầu tiên, từ tối qua đến giờ, trong đầu Thụy bắt đầu lắp ghép những giả thuyết và sự kiện, hắn mơ hồ ‘biết’ chuyện gì sắp xảy ra. Thụy lại nhìn cánh tay bó bột, thở dài..., hy vọng mọi chuyện không quá trễ.

Ngoài đề:

1.      Một bài viết rối rắm, mâu thuẫn và (có lẽ) hơi khó hiểu về niềm tin, nhưng mà đó là những gì Coa đang nghĩ/nhận thức a, hy vọng sau này có cơ hội sẽ chỉnh sửa lại bài này.


2.      Hội Long Hoa, Phật Thầy Tây An, Đạo Bửu Hương Kỳ Sơn, Năm Thìn bão lụt... và một số sự kiện, nhân vật (lịch sử) khác (sau này) được đề cập theo suy nghĩ/lý giải riêng của Coa, về thực hư/đúng sai xin vui lòng tha thứ.