Nhưng mà con Điệp lại là một tồn tại khác. Khác
hẳn à nghen!
Chim bìm bịp giỏi bắt rắn và chăn rắn thì xứ này
ai cũng biết. Loại chim này thường sống định cư một chỗ, hay làm tổ thấp khoảng
1m, 2m trong bụi rậm gần sông suối, đầm lầy, ăn mồi sống và cả xác chết thối rữa,
thích nhất là ăn rắn, nghe đồn chúng còn có chiêu bắt rắn về ‘giam lỏng’ để ăn dần.
Vườn thuốc chùa Phật Nhỏ um tùm che dấu không ít
rắn lớn rắn nhỏ. Có lần ông Năm Võng bị rắn cắn, dù không sao nhưng mấy đệ tử
ngẫm Thầy Năm đi đứng bất tiện, đêm hôm ở chùa một mình lỡ có chuyện gì thì
không hay nên mới nghĩ cách trừ rắn. Có người đề cử bắt chim bìm bịp, thế là có
người chạy tuốt vô nhà người quen trong Rừng Tràm Trà Sư mượn chim mồi, lại nếm-mật-nằm-gai
một buổi chiều thời bắt được con Điệp. Lại loay hoay huấn luyện ròng rã tháng
trời thì có thể thả con Điệp ra khỏi lồng. Nó xuất quan kèm theo 2 tuyệt kỹ bắt
rắn và giữ nhà. Bắt rắn với con Điệp là bản năng cũng không cần huấn với luyện
nhiều ít, còn giữ nhà thì lại là một cơ duyên bộc phát và có sự lao tâm khổ tứ
của mấy thằng đệ tử của Thầy Năm.
Số là tính con Điệp dữ dằn mà chùa Phật Nhỏ ban
ngày đông đúc khách thắp hương, đệ tử ông Năm Võng, hàng xóm, con cháu... nên
nó không thiếu bị chọc ghẹo. Một bữa nọ, tức nước thì vỡ bờ rồi, nó nổi điên
lên lao vào tấn công đám con nít dám trộm nhãn của chùa lại còn ăn rồi dùng hột
nhãn chọi nó. Đám đệ tử thầy Năm Võng hả hê a. Đám quỷ nhỏ xóm này nổi tiếng ‘lì
và lẹ’, làm chuyện xấu bị phát hiện là chúng bỏ chạy tứ tán, có trời mà bắt được.
Lần này gặp khắc tinh, tụi nó chạy, còn con Điệp bay, ai nhanh hơn khỏi nói
cũng biết. Thế là từ đó mỗi lần con Điệp la hét, đuổi đánh đám ‘quỷ chùa’ kia lại
được mấy đệ tử thầy Năm tán dương bằng cách thưởng đồ ăn cho nó. Riết rồi thành
phản xạ có điều kiện, hễ thấy người-lạ hoặc trộm-quen là con Điệp la hét cảnh
báo trước, nếu không nghe là nó quoằm ráng chịu.
Lãnh thổ con Điệp bây giờ bao quát cả vườn trước,
vườn sau chùa Phật Nhỏ. Ý thức lãnh thổ của nó mạnh vô cùng, hễ có vật-thể-lạ bất
kể là người hay rắn dám mò vào phạm vi của nó mà không được Ông Năm cho phép là
nó xông xáo bay lên chiến a chiến, khô máu cũng chiến. Ông Năm sợ nó làm bị
thương người ta mới rầy la, mấy thằng đệ tử lảng lảng giả điên trốn tránh, còn
con Điệp ngu ngu phạch phạch cánh, ưỡng ngực khoe thành tích; sau đó thì đâu lại
vào đấy. Ông Năm bó tay, với lại trước giờ chưa có hậu quả nghiệm trọng gì xảy
ra nên riết rồi ổng chẳng buồn nói nữa.
Anh em, cậu cháu nhà Thụy hồi giờ nhìn con Điệp
bằng ánh mắt nói chung là ít khắc khe hơn cái tình-ghét dành cho giống loài của
nó. Con Điệp, với con Mai nữa, giống như là một mối ký thác của người nhà và
đám đệ tử của ông Năm Võng. Đầu hôm sớm mai, ông Năm một mình chùa Phật Nhỏ nào
có ai dám yên tâm. Ông Năm Võng lại cứng cỏi không thích phiền hà người thân,
nên nuôi tụi nó trong chùa coi ngó lại hủ hỉ chọc cười ông Năm cầu lấy sự yên
lòng.
Nhưng mà anh Ba thì khác, ảnh có ân-oán-tình-kết
với con Điệp. Mà không phải một, nói mười không tới chứ lý do cũng phải có ba bốn
cái. Cái số 1 ai cũng biết rồi, anh Ba hiền khô, cục mịch (nhiều Thụy thấy còn
khờ hơn cả Thảo-đen) nên ghét ai ghét cả đường đi lối về, ảnh không ưa cái thứ
chim bầy hầy hôi rình không trọng chữ tín đó (con Điệp: không trọng chữ tín hồi
nào trời?!).
Cái số 2 mới mắc cười, anh Ba mê cải lương; chuyện
đó hết sức bình thường với dân miền này a. Mê nhất tuồng 'Lan và Điệp'; cái này
cũng bình thường thôi, nhiều người cũng thích tuồng này như ổng. Thần tượng
nhân vật Điệp, chả nói tại vai này nghe nó mùi, Thụy nghe vậy cũng ‘ừ’, nhưng thầm
nghĩ trong bụng “... mới là lạ, chắc mẩm là chả đồng cảm với cái tính tình khờ
khờ ngốc ngốc bị lừa gạt xoay quanh mà thủy a chung, son a sắt của ông Điệp”.
Thế nên lúc cả nhà (chùa) đặt tên cho con Điệp
(là Điệp ^^) là anh Ba giãy nãy. Ảnh thấy làm vậy thiệt là xúc phạm tình cảm của
quần chúng nhơn dân yêu cải lương, nhưng mà hổng có ai quan tâm tới ổng hết. Cả
ông Năm Võng cũng gật gù khen đặt tên đó là đúng rồi. Con chim mà biết kêu, biết
hót thì bình thường, nhưng mà con chim kêu chữ ‘Điệp’ rõ mồn một như vậy thì
thiệt đáng quý, đáng lấy cái chữ đó làm kỷ niệm, mà cách kỷ niệm nào tốt hơn là
lấy luôn chữ đó đặt tên cho nó.
Anh ba gân cổ cãi bướng “nhưng mà nó là chim
mái, chim mái a, ai mà đặt con gái tên Điệp, nó kêu ‘Điệp, Điệp’ sao không đặt
nó tên Lan, Huệ, Thúy Liễu gì cũng được.” Cả nhà (chùa) ngó lơ, tập thể cười khẩy
trong bụng. Thảo-đen láo táo, lý sự “Hồi trước Điệp đi vô chùa tìm Lan, giờ con
này (chỉ chỉ) cũng ở trong chùa nên mình kêu nó tên ‘Điệp’ đi ba, cho nó thỏa
lòng mong ước”. Cả đám đệ tử thầy Năm Võng cười rần rần, ông Cả Phu tủm tỉm mượn
thang của thằng cháu cố kết thúc câu chuyện “Thằng Thảo nói có lý, quyết định vậy
đi, kêu nó là Điệp.” Anh Ba tắt tị, trừng mắt thằng con một trận muốn đui mù rồi!
^^
Ông bà nói ‘kẻ thù gặp nhau hết sức đỏ mắt’. Từ
sau bữa đặt tên là anh Ba không ưa con Điệp rồi. Con Điệp thấy mình oan hết sức,
rõ ràng nó bị giận cá chém thớt, thế nên ban đầu cũng hết sức nịnh bợ lấy lòng
anh Ba, nó cũng biết trong nhà (chùa) ai là Đại sư huynh a. Nó xin ăn, anh Ba
ngó lơ; nó lẽo đẽo theo gọi làm quen, anh Ba xua tay đuổi đi; nó bắt rắn cho,
anh Ba không cần... nên nó làm một chuyện hết sức sai lầm khiến cho ‘thù càng kết
càng sâu’ đó là mổ đùa con Thanh Xà của anh Ba nuôi làm cho con rắn ngẻo củ tỏi.
Bị anh ba rượt bứt lông đuôi, nó cũng quê rồi, thiên hạ không lý nó lẽ nào nó mặt
dầy theo miết, thế là nó trở mặt. Sau lại, trong chùa, ai nó cũng thuận thảo,
ngoan ngoãn chỉ trừ có anh Ba là đối tượng chọc phá, nghịch ngợm của nó. Anh Ba
cũng không vừa, hễ có dịp là thuận miệng chen vào xỏ xiên nó. Đề tài liên quan
tới ‘mối thù’ của anh Ba và con Điệp còn làm chuyện cười cho đám đệ tử thầy Năm
suốt một thời gian dài trước đây và sau này.